Xã hội

Gấp rút 'thúc' chương trình giảm ùn tắc

Nếu không nhanh chóng đưa ra cách tháo gỡ thì các mục tiêu về giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại TP HCM giai đoạn 2015-2020 có nguy cơ phá sản

Nhìn lại 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2015-2020 mới thấy tính đến tháng 4-2018, TP mới chỉ làm mới và đưa vào sử dụng gần 98/272 km đường bộ cùng 32/76 cây cầu được xây mới. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tuy đạt hơn 63% nhưng hệ thống này còn rất hạn chế về cơ sở hạ tầng, quỹ đất, phương tiện. Theo đó, tình trạng ùn tắc giao thông ở TP còn rất phức tạp.

Khó khăn bủa vây

Theo tính toán, toàn bộ chương trình gồm 7 nhóm giải pháp với 160 nhiệm vụ, 172 dự án cần triển khai với nhu cầu vốn đầu tư là 323.997 tỉ đồng. Trong đó, theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, giai đoạn 2016-2018, TP chỉ chi được hơn 16.000 tỉ đồng, nguồn vốn trung ương là 18.158 tỉ đồng; TP đã linh động kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hơn 1.600 tỉ đồng; vốn ODA là 18.158 tỉ đồng… để triển khai các dự án. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, TP cần hơn 284.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án. Trước tình hình trên, ông Lâm thẳng thắn nhìn nhận nếu tiếp tục thực hiện theo phương thức cũ thì đến cuối năm 2020 sẽ không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đề ra.

Gấp rút 'thúc' chương trình giảm ùn tắc
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM còn phức tạp Ảnh: GIA MINH

Cụ thể, ông Lâm cho hay một số giải pháp chưa được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như huy động nguồn lực. Hiện các dự án ngoài việc gặp khó khăn trong huy động nguồn lực thì chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư và mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao. Chưa kể, nhiều dự án trong điều kiện mặt bằng thuận lợi nhưng lại không thể triển khai ngay vì phải chờ bố trí vốn khởi công theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, cơ chế đột phá được xem là cực kỳ quan trọng trong các vấn đề này.

Trong khi đó, hàng loạt khó khăn khác như nguồn vốn từ ngân sách TP được phân bổ thấp, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và việc áp dụng hình thức đầu tư PPP cũng đang rất hạn chế. Đặc biệt, việc cấp vốn cho các dự án đường sắt đô thị không đúng tiến độ nhu cầu trong thời gian qua đã kéo dài thời gian thi công dẫn đến chậm hoàn thành, ảnh hưởng trực tiếp chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng tại TP. Chưa kể, việc huy động vốn từ trung ương để thực hiện các dự án của Bộ GTVT trên địa bàn TP hiện cũng không đúng tiến độ.

Sớm đổi mới cách thực hiện

Trước những "điểm nghẽn" trên, Sở GTVT cho rằng TP cần điều chỉnh phân bổ lại nguồn lực bởi kinh phí cho giai đoạn sắp tới là rất lớn. Cụ thể, TP phải có chủ trương chuyển đổi linh hoạt về nguồn vốn và hình thức đầu tư của các dự án, đổi mới cách thức thực hiện như phân cấp, ủy quyền cho các sở - ngành, quận - huyện và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai. Riêng chỉ tiêu nâng cao khối lượng vận tải hành khách công cộng, TP cần triển khai đầu tư hệ thống xe buýt từ nay tới năm 2020 lên 5.525 xe mới có thể đáp ứng được chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, TP cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giảm các thủ tục hành chính, tránh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực tạo điều kiện các dự án tăng tốc.

Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, Sở GTVT kiến nghị TP cần có phương án rà soát, điều chỉnh quy trình thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, cần bổ sung cơ chế đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm như tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, các dự án khu vực cửa ngõ TP, kết nối sân bay và các cảng hàng hóa. Còn đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, TP HCM cần ban hành quy trình thực hiện theo hướng rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Song song đó, trong quá trình thực hiện cũng phải có đơn vị kiểm tra, giám sát tình hình.

Đẩy nhanh tiến độ

Về phía Sở GTVT TP, đơn vị này cũng đang gấp rút triển khai hàng loạt công trình để kéo giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, dự kiến trong tháng 6 sẽ mở rộng cầu Chữ Y (nối quận 5 và 8) với kinh phí 186 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. Theo đó, nhánh cầu chính từ Nguyễn Biểu lên, nhánh xuống Nguyễn Thị Tần và nhánh xuống Hưng Phú, dài gần 500 m, hiện rộng 9 m sẽ được mở rộng thành 12 m. Cầu cũng được nâng cấp tải trọng từ 13 lên 18 tấn. Ba nhánh đường đầu cầu dài 400 m được cải tạo, xây tường chắn mới để mở rộng mặt đường vào cầu lên tương ứng với bề rộng cầu chính. Đồng thời, khu vực trung tâm cầu Chữ Y sẽ được mở rộng để tăng khả năng rẽ trái, giảm xung đột giữa các dòng xe qua ngã ba. Việc cải tạo, nâng cấp cầu sẽ được hoàn thành sau 1 năm.

Cầu Kênh Tẻ cũng sẽ được mở rộng. Hiện mật độ xe qua cầu tăng rất cao nên thường gây ùn ứ vào giờ cao điểm. Phần cầu dẫn ở đầu 2 quận 4 và 7 hiện có mặt đường cho xe chạy rộng 12 m, phần lề đi bộ mỗi bên rộng 1 m. Khi mở rộng, toàn bộ lề đi bộ sẽ được bóc dỡ để sửa chữa, tạo thành bề rộng cho xe chạy là 14 m. Phần cầu chính rộng 14 m sẽ được mở rộng lên 16,5 m. Ở hai biên có những đòn tay hẫng vươn ra ngoài thành cầu, làm bản mặt mới để tạo thành lề đi bộ mỗi bên rộng 1 m. Tổng vốn để mở rộng cầu Kênh Tẻ là gần 90 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Ngoài ra, TP sẽ xây cầu Long Kiển mới với chiều dài 318 m (chưa tính phần đường vào cầu), rộng 15 m, khổ thông thuyền 5 m x 30 m với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng để thay thế cầu Long Kiển cũ. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công. Nhánh N4 nối đường Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Tri Phương cũng sẽ được thực hiện. Ba nhánh nối cầu Nguyễn Tri Phương với đại lộ Võ Văn Kiệt có tổng vốn 194 tỉ đồng vừa được đưa vào sử dụng. Để hoàn thiện việc kết nối trục giao thông này, nhánh cầu N4 sẽ được xây dựng với kinh phí 62 tỉ đồng. Công trình nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường trong khu vực, nhất là nút giao thông Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương, đồng thời tăng hiệu quả khai thác đại lộ Võ Văn Kiệt.

Cùng với đó, Sở GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành một loạt công trình khác như mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ Công viên Gia Định đến Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối vào đường Phổ Quang hiện hữu); cầu vượt trên đường Vành đai 2 thuộc dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy (quận 2), nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân). 

Phải làm quyết liệt

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Chương trình giảm ùn tắc, TNGT trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2020 là một trong 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Mục tiêu chương trình là nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của TP, kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; ưu tiên phát triển các đường vành đai, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị; phát triển hệ thống giao thông công cộng; hoàn thành công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông và giảm TNGT; nâng cao ý thức người chấp hành giao thông.

Ông Nguyễn Thành Phong dự báo từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng dân số cơ học của TP sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó tốc độ làm mới những con đường, đất dành cho giao thông là hết sức hạn chế, chậm, không đồng bộ sẽ tạo áp lực về giao thông. Vì vậy, phải có giải pháp hết sức quyết liệt trong thời gian tới. "Phải tính toán cân đối nguồn lực, xác định danh mục và nguồn vốn đầu tư cho những công trình cấp bách phải triển khai thực hiện; những dự án mang tính khả thi, kết nối vào mạng lưới giao thông, tính cấp bách công trình thì sử dụng vốn ngân sách, cũng như cách thức huy động" - ông Phong nói và yêu cầu các sở, ngành phải có sự phối hợp đồng bộ để cùng chia sẻ, huy động nguồn lực.

Ngoài tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn ra phức tạp thì số vụ, số người chết, bị thương do TNGT hằng năm chưa kéo giảm được 5% so với năm liền kề như mục tiêu chương trình đề ra.

Theo Gia Minh- Phan Anh (Nld.com.vn)