Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Dừng các phương tiện công cộng, người dân có thể đi bằng gì trong thời gian cách ly toàn xã hội?

Dù các phương tiện công cộng cơ bản đã tạm dừng, tuy nhiên người dân vẫn có thể di chuyển bằng xe cá nhân từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngay sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi chỉ đạo khẩn triển khai nội dung của Chỉ thị đến các đơn vị trên toàn quốc.

Theo đó, trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 1/4, trên đường bộ, dừng hoạt động vận chuyển của tất cả các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các trường hợp đặc biệt sẽ được phép hoạt động như vận chuyển vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa…

Tại các bến xe lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… trong sáng 1/4 đều dừng hoạt động. Trước thời điểm Chỉ thị 16 cách ly toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, hoạt động đi lại của người dân trên những phương tiện vận tải hành khách này đã giảm sâu.

Dừng các phương tiện công cộng, người dân có thể đi bằng gì trong thời gian cách ly toàn xã hội?
Bến xe khách Mỹ Đình cũng như các bến xe khách trên toàn thành phố đều thực hiện nghiêm quy định của việc cách ly. Ảnh: Nhật Tân

Trên đường hàng không, đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ được khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày; Đường bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày; Đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Ngoài ra, sẽ dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại.

Đối với đường sắt, tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ được khai thác tối đa 1 đôi tàu khách/ngày (trong đó có 1 chuyến Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và 1 chuyến ngược lại). Tất cả các tuyến còn lại buộc phải dừng trong thời gian 15 ngày.

Trong khi đó, các công ty taxi công nghệ cũng đã ra thông báo tới khách hàng dừng toàn bộ dịch vụ vận chuyển xe ô tô (vẫn duy trì dịch vụ xe 2 bánh). Cụ thể, Grab Việt Nam dừng dịch vụ các loại hình như GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Doanh nghiệp, Grab Tỉnh/Grab Tuyến, GrabTaxi, GrabRent tại tất cả các tỉnh, thành phố từ 0h ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020. Riêng tại Đà Nẵng, dừng dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood kể từ 0h ngày 2/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020.

Tương tự, hãng taxi công nghệ Be cũng dừng toàn bộ dịch vụ vận chuyển khách cả ô tô lẫn xe máy như beBike, beCar, be Đi tỉnh, thuê xe theo giờ trong 15 ngày trên.

Dừng các phương tiện công cộng, người dân có thể đi bằng gì trong thời gian cách ly toàn xã hội? - 1
Cửa ngõ phía Nam, đoạn giải đường Giải Phóng và đường Vành đai 3 của Hà Nội lượng phương tiện giao thông giảm rõ rệt. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Như vậy, từ hôm nay (1/4), việc đi lại liên tỉnh (Bắc-Nam) bằng các phương tiện công cộng chỉ còn duy nhất máy bay và tàu hỏa với số lượng vô cùng hạn chế.

Trong thời gian cách ly toàn xã hội, người dân được khuyến cáo ở nhà, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác trừ các mục đích phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như đi mua thức ăn, thuốc, đổ xăng...

Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải ra ngoài do yêu cầu của công việc, phải di chuyển trong thành phố hoặc đi các tỉnh lân cận, người dân phải ưu tiên sử dụng các phương tiện cá nhân như ô tô con hay xe máy.

Nếu phải thuê dịch vụ đi lại, người dân có thể lựa chọn dịch vụ xe 2 bánh chở người vẫn được duy trì hoạt động như xe ôm công nghệ Grabike, GoViet...

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến các nhu yếu phẩm, hạn chế tập trung đông người, các dịch vụ giao nhận hàng hóa, đồ ăn vẫn được phép hoạt động.

Dừng các phương tiện công cộng, người dân có thể đi bằng gì trong thời gian cách ly toàn xã hội? - 2
Hoạt động của xe ôm công nghệ, shipper, vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Gia Minh

Tuy nhiên, người dân khi di chuyển bằng xe cá nhân từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận vẫn buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hiện, các địa phương đều sẽ tăng cường rà soát, khoanh vùng và có phương án cách ly đối với các trường hợp người dân từ vùng dịch (Hà Nội/ TP Hồ Chí Minh) di chuyển về các địa phương này.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng chia sẻ: "Về thực tế, đi xe cá nhân không liên quan dịch bệnh lây lan ra cộng đồng hay lây cho bạn, nhưng giả sử bạn đã nhiễm bệnh, mắc bệnh (mà không biết), bạn có thể về quê và lây cho người nhà, gia đình, cộng đồng. Hoặc ngược lại, bạn không hề mắc bệnh nhưng khi về quê, dịch đang xảy ra ở đó và lây cho bạn, đến khi bạn quay trở lại Hà Nội sẽ lây cho cộng đồng".

Do vậy theo ông Phu, mọi người không nên di chuyển từ Hà Nội hay các thành phố lớn về quê, chỉ đi lại khi thực sự rất rất cần thiết.

Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dung-cac-phuong-tien-cong-cong-nguoi-dan-co-the-di-bang-gi-trong-thoi-gian-cach-ly-toan-xa-hoi-20200401155347561.htm