Xã hội

Dự án Sài Gòn Safari gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng

TP HCM bị cho có sai phạm khiến dự án công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam suốt 13 năm vẫn chưa thành hình.

Cách trung tâm 50 km, dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP HCM) có quy mô lớn, diện tích phải thu hồi rất rộng (hơn 456 ha), tổng số vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD. Đây được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.

Trong kết luận thanh tra công bố ngày 21/6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý, giao Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn không đủ năng lực làm chủ đầu tư. Đây là nguyên nhân hơn 13 năm qua dự án vẫn chưa triển khai. Trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2001-2006

Về kế hoạch sử dụng đất, TTCP cho rằng, năm 2004 UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi và tạm giao hơn 485 ha đất cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án là chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

Dự án Sài Gòn Safari gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng
Dự án Sài Gòn Safari bị bỏ hoang. Ảnh: Trung Sơn.

Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn không xây dựng kế hoạch đấu thầu tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/2000 để trình Sở GTVT phê duyệt là vi phạm quy định của Chính phủ. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khi đó liên đới chịu trách nhiệm vì đã không đôn đốc thực hiện.

Suốt 13 năm kể từ ngày UBND TP HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, đồ án quy hoạch mới hoàn thành và đuợc phê duyệt là thời gian quá dài.

Theo TTCP, nguyên nhân là các cơ quan chức năng thành phố chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để xin chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó, thiết kế quy hoạch xây dựng chi tiết (1/2000, 1/500) là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án đã không được quan tâm phê duyệt. Trách nhiệm này thuộc UBND thành phố, các sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải và Quy hoạch Kiến trúc.

Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TTCP cho rằng, dự án không có phương án đền bù theo quy định, áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí hơn 104 tỷ đồng. "Số tiền này đã được chi trả đầy đủ cho người dân. Dù chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi, song phải kiểm điểm một cách nghiêm túc", kết luận thanh tra nêu.

TTCP cũng chỉ ra nguyên nhân khiến người dân khiếu nại nhiều năm là: xây dựng khu tái định cư chậm, không bố trí tạm cư, không chi tiền tạm cư; dự án chưa thực hiện dù đã có mặt bằng và nguồn kinh phí; đất thu hồi xong bỏ hoang nhiều năm. Ngoài ra, kể từ khi thu hồi đất đến thời điểm thanh tra đã gần 14 năm (2004-2018) nhưng dự án chưa triển khai và có sự so bì giữa các hộ dân có đất bị thu hồi...

Với những sai sót này, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM kiểm tra, giải quyết bồi thường, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng phù hợp với tình hình thực tế. Việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án Công viên Sài Gòn Safari phải đấu thầu rộng rãi, minh bạch. Nếu điều chỉnh quy hoạch dự án so với mục tiêu ban đầu phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức đấu thầu...

TTCP cũng kiến nghị cần xây dựng ngay khu tái định cư cho người dân; kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm.

3 năm 'treo' của dự án Sài Gòn Safari 500 triệu USD. Video: Thanh Huyền.

Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi với các khu chức năng: Khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; Khu trưng bày thú mở bao gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm.

Dự án còn có các công trình dịch vụ khác phục vụ du khách như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...

Năm 2007 công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96% nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm 4% còn lại; tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp khiến người dân rất bức xúc.

Theo Trung Sơn (VnExpress.net)