Xã hội

Đoạn đường 8 km đi mất 6 tiếng: 'Cảng lớn nhất nước nằm trong đô thị?'

"Về lâu dài cần giảm tải hàng hóa vào cảng Cát Lái, chuyển sang các cảng xung quanh hoặc có thể di dời đến địa điểm phù hợp hơn”, PGS TS Phạm Xuân Mai đề nghị.

Đoạn đường 8 km đi mất 6 tiếng: 'Cảng lớn nhất nước nằm trong đô thị?'
Đoàn xe kẹt cứng kéo dài hàng km trên đường dẫn vào cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Quân.

Hình ảnh dòng ôtô tải, xe đầu kéo container xếp hàng dài từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) sang nút giao Mỹ Thủy (quận 2), kẹt cứng trên đường vào cảng Cát Lái không còn lạ với người Sài Gòn. Tình trạng kẹt xe kéo dài, liên tục ở cửa ngõ cảng Cát Lái khiến tài xế, doanh nghiệp khốn khổ.

'Ảnh hưởng rất lớn đến giao thông nội đô'

Dù Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang tích cực phối hợp nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm kẹt xe các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công (Vành đai 2),… tuy nhiên về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần sớm giảm tải lượng hàng vào cảng Cát Lái hoặc quy hoạch đến vị trí thuận lợi hơn.  

Chia sẻ về câu chuyện này, PGS TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP đang quy hoạch mở rộng đô thị khu Đông ở quận 2, quận 9, Thủ Đức, thì vị trí cảng Cát Lái hiện hữu sẽ không còn phù hợp.

“Từ 5 đến 10 năm tới, dân cư, khu đô thị ở khu quận 2, quận 9, phát triển mạnh thì cảng Cát Lái được xem như cảng Sài Gòn cũ, nằm ngay trong lòng đô thị. Việc cảng hàng hóa lớn nhất nước nằm ngay trong đô thị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông nội đô. Nên về lâu dài cần giảm tải hàng hóa vào cảng Cát Lái, chuyển sang các cảng xung quanh hoặc có thể di dời đến địa điểm phù hợp hơn”, PGS TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.

Theo PGS TS Phạm Xuân Mai, trong quy hoạch cảng biển cần gắn với tuyến đường sắt từ cảng vào hệ thống đường sắt quốc gia. Đây là loại vận tải hàng hóa rất tiết kiệm, giảm chi phí vận chuyển, giảm kẹt xe và tai nạn giao thông ở cửa ngõ thành phố. Chuyên gia này dẫn chứng thời xưa, người Pháp khi làm cảng Sài Gòn cũng có làm tuyến đường sắt nối cảng vào hệ thống đường sắt quốc gia.

Đoạn đường 8 km đi mất 6 tiếng: 'Cảng lớn nhất nước nằm trong đô thị?' - 1
Cảng Cát Lái được xem là cảng hàng hóa lớn nhất cả nước hiện nay. Ảnh: Phước Tuần.

TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho rằng về lâu dài cần phải giảm lượng tàu giao dịch, bốc vác ở cảng Cát Lái. Hiện nay, hạ tầng xung quanh cảng chưa đáp ứng được lượng tăng trưởng của hàng hóa ra vào cảng nên Bộ GTVT cần hạn chế lượng tàu vào cảng. Giải pháp trước mắt là cần san sẻ lượng hàng sang 2 cảng Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải để giảm ùn tắc giao thông.

Ông Cương cũng đồng ý giải pháp làm tuyến đường sắt nối vào cảng Cát Lái sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông. “Vận tải đường sắt nối tiếp với cảng sẽ rất thuận lợi vì đây là loại vận tải khối lớn, an toàn, giải phóng lượng hàng hóa nhanh; đặc biệt sẽ thuận lợi cho việc vận chuyển ra các tỉnh miền Trung”, TS Võ Kim Cương nêu quan điểm.

Giảm tải hàng hóa vào cảng Cát Lái

Còn chuyên gia giao thông Phạm Sanh (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng không ai quy hoạch cảng container lớn nhất nước lại nằm trong lòng đô thị.

Ông Sanh góp ý: “Quy hoạch TP mở qua hướng Thủ Thiêm, khu Đông, thì vị trí cảng Cát Lái hiện tại là bất hợp lý. Vấn đề kẹt xe ở nút giao Mỹ Thủy không giải quyết triệt để được. Giải pháp kẹt xe ở Cát Lái phải cần nhóm tư vấn, nghiên cứu quy hoạch rõ ràng chứ nói lớt phớt thì không giải quyết được”.

Theo TS Phạm Sanh, TP cần nghiên cứu giao thông nội đô, giao thông hàng hóa riêng biệt, quy hoạch cảng cạn, phân luồng giao thông; đặc biệt cần sớm giảm tải cảng Cát Lái, chuyển tải tàu vào các cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) hay Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đoạn đường 8 km đi mất 6 tiếng: 'Cảng lớn nhất nước nằm trong đô thị?' - 2
Cảnh kẹt xe trên đường dẫn về cảng Cát Lái vào ban đêm. Ảnh: Lê Quân.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng các giải pháp công trình hiện nay chỉ nhằm giảm kẹt xe trước mắt. Ông Sơn nhấn mạnh cần quy hoạch và sớm xây tuyến đường dành riêng cho xe đầu kéo container, không thể dùng chung đường đô thị. Cần tách đường cho xe đầu kéo container để giảm chồng lấn giao thông và tai nạn giao thông. Giờ có làm đường sắt thì cũng phải làm đường riêng cho container.

“Các đô thị lớn trên thế giời đều có đường cho container riêng. Ví dụ, xa lộ Hà Nội là đường giao thông nội đô, không được cho xe đầu kéo container đi. Hiện xe đầu kéo vẫn lưu thông chung với các phương tiện khác, như vậy vừa kẹt xe và mất an toàn cho người dân”, KST Ngô Viết Nam Sơn khẳng định.

Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP.HCM), cho biết vào thời điểm cuối năm, lượng xe ra vào cảng Cát Lái để vận chuyển hàng hóa rất lớn, có thời điểm lên đến 21.000 xe/ngày đêm, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài.

Theo ông Đường, trước mắt, Sở GTVT đang phối hợp thông tin với các thành viên trong Nhóm phản ứng nhanh xử lý sự cố khu vực cảng Cát Lái để kịp thời xử lý các sự cố (nếu có), tránh để ùn tắc cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông cả khu vực.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Công an TP bố trí lực lượng điều tiết túc trực 24/24 tại các vị trí thường xuyên ùn tắc giao thông như nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao An Phú, giao lộ Nguyễn Thị Định - đường vào khu công nghiệp Cát Lái...

Đại diện Sở GTVT TP.HCM thông tin đang phối hợp với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn phân bố dàn trải lượng hàng hóa ra vào cảng, không để tập trung vào một thời điểm dẫn đến tập trung lượng lớn xe ra vào cảng Cát Lái. Đặc biệt, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (dự kiến đưa vào khai thác hạng mục hầm chui và cầu vượt trước ngày 30/4/2018).

Ông Ngô Hải Đường cũng cho biết Sở đã đề nghị Cảng vụ hàng hải Việt Nam có kế hoạch điều phối hàng qua các cảng khác như Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải để giảm áp lực giao thông đường bộ tại khu vực cảng Cát Lái.

Đoạn đường 8 km đi mất 6 tiếng: 'Cảng lớn nhất nước nằm trong đô thị?' - 3
Các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái. Đồ họa: Nhân Lê.

Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)