Xã hội

Đổ xô đi rình “giặc” rác kiếm thưởng

Một phong trào săn kẻ đổ rác bậy đang hình thành ở quận Bình Tân và Tân Phú, TP.HCM. Hai địa phương này treo thưởng cho những ai phát hiện và giữ chân được những kẻ đổ rác để báo chính quyền đến xử phạt.

Một phong trào săn kẻ đổ rác bậy đang hình thành ở quận Bình Tân và Tân Phú, TP.HCM. Hai địa phương này treo thưởng cho những ai phát hiện và giữ chân được những kẻ đổ rác để báo chính quyền đến xử phạt.

Có mặt ở khu nhà trọ trên đường Sin Cô của địa phương này hồi giữa tháng 5.2017, chúng tôi dễ dàng quan sát thấy nhiều căn phòng trọ treo bằng khen do UBND phường Bình Trị Đông B trao tặng về việc bảo vệ môi trường, an ninh trật tự ở địa phương. Anh Võ Trọng Nhân, công nhân KCN Pou-Yuen, Bình Tân, cho hay, kể từ khi phường phát động phong trào bảo vệ môi trường thông qua việc thưởng tiền cho ai phát hiện kẻ đổ trộm rác, thì thay vì mỗi tối cùng những người bạn đến quán nhậu, càphê thì nay anh có thêm công việc mới là đi “săn” những người đổ rác trộm nhằm kiếm thêm thu nhập. Sự hăng hái của anh Nhân là xuất phát từ vụ việc hồi cuối tháng 4.2017, trong lúc đi dạo, anh phát hiện một xe tải đang đổ trộm xà bần trên đường 17A. Anh Nhân liền gọi điện vào đường dây nóng của UBND phường Bình Trị Đông B thông báo. 5 phút sau, bảo vệ dân phố, công an và cán bộ phường có mặt. Người đổ rác trộm bị bắt quả tang và anh cũng được mời về UBND phường làm nhân chứng. Hôm sau, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi mời nhận bằng khen và tiền thưởng 1 triệu đồng.

do xo di rinh “giac” rac kiem thuong hinh anh 1

Phường Bình Trị Đông B đang thí điểm phạt thủ phạm đổ rác bậy và thưởng cho người phát hiện.

Sau đó, cả dãy trọ của anh Nhân dấy lên phong trào đi săn “giặc” rác. Vẫn chiếc smarphone đầy pin trên tay như chuẩn bị ra “chiến trường”, anh Hoàng, ngụ gần nhà trọ của anh Nhân lên kế hoạch rằng tối nay sẽ cùng với hai người bạn “săn” bằng được một chiếc xe tải nhỏ thường xuyên đổ xà bần. “Hai lần rồi, cứ thấy chúng tôi đưa máy lên là tài xế và phụ xe vù mất. Lần này chúng tôi đã bàn cụ thể để có thể tóm tại trận… Tối nay nó mà xuất hiện thì đố mà thoát được”, anh Hoàng tự tin. Phong trào ở phường Bình Trị Đông B lên mạnh đến mức chỉ trong hơn một tháng nhưng đã có người được nhận thưởng 2 – 3 lần.

Còn tại quận Tân Phú, năm 2015, chính quyền phải bỏ ra số tiền rất lớn để thuê nhân công, xe tải thực hiện việc thu gom rác, xà bần xây dựng do nhiều người đổ trộm ở các bãi đất trống. Đến năm 2016, địa phương này đã có nhiều chuyển biến khi treo thưởng cho người nào phát hiện người xả rác, tiểu bậy trên địa bàn. Thế là, ở đây đã có hàng loạt người đã được nhận thưởng với số tiền từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng/lần tố giác thành công. Theo thống kê, ở địa phương có người còn được thưởng ba lần và phong trào săn “giặc” rác đang rần rần.

Có nên nhân rộng?

Nói về kinh phí để lập quỹ thưởng cho người phát hiện đổ trộm rác, bà Trương Thị Minh Tín, chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, cho biết mỗi vụ đổ trộm rác phường sẽ lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền 1 – 4 triệu đồng. Song song với đó là đề xuất khen thưởng trích từ tiền xử phạt. “Tính từ đầu năm 2017 đến nay phường tiếp nhận 27 thông tin tố giác và 27 người nhận thưởng”, bà Tín nói.

Người nghèo lấy đâu ra tiền đóng phạt? UBND quận Bình Tân, cho biết thời gian qua có khá nhiều người nghèo, sinh viên làm thêm việc phát tờ rơi, treo quảng cáo lên trụ điện. Khi bị lập biên bản xử phạt, họ không có tiền để nộp. Vì vậy, quận Bình Tân bắt kẻ vi phạm dọn dẹp rác, tháo tất cả các băng rôn, quảng cáo trái phép.

Ở quận Tân Phú, theo bà chủ tịch UBND Hứa Thị Hồng Đang, tiền thưởng được vận động từ các doanh nghiệp. Họ đều có chung nỗi bức xúc rác thải nhất là vải vụn từ các cơ sở may mặc, xà bần đổ khắp nơi gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình nhìn nhận thưởng cho người tố giác, phạt nặng người vi phạm tạo sự công bằng, khuyến khích người dân hỗ trợ chính quyền giám sát mọi hoạt động. Bước đầu, mô hình này thực hiện tại phường Bình Trị Đông B và sắp tới sẽ nhân rộng trên toàn quận.

Trước lo ngại việc người dân giữ kẻ đổ rác trộm là vi phạm pháp luật, bà Tín hướng dẫn: khi phát hiện người vi phạm một mặt kêu gọi những người xung quanh cùng làm nhân chứng, mặt khác gọi điện thoại đến UBND phường. Và ngăn không cho phương tiện đổ trộm rác di chuyển. Cố gắng “giữ chân” càng lâu càng tốt. “Cũng có trường hợp những người đổ rác trộm bịt khẩu trang, tỏ ý chống đối nên mọi người phải cẩn thận. UBND phường cũng giữ bí mật thông tin về người tố giác “giặc” rác”, bà Tín bày tỏ.

Còn chuyện sợ bị trả thù, thì theo các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, nếu thấy các dấu hiệu đang bị rình rập để trả thù thì người tố giác tội phạm hoàn toàn có thể nhờ cơ quan pháp luật bảo vệ mình.     

Theo Giang Thanh - Đằng Thanh (Dân Việt)