Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Dở khóc dở cười chuyện 'đòi xét nghiệm' COVID-19

"Có người chẳng có tiền sử tiếp xúc, chẳng có triệu chứng gì vào bệnh viện đòi xét nghiệm. Có cả những công ty đòi phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới cho tuyển dụng" - BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về những tình huống dở khóc, dở cười.

Muốn xét nghiệm cho... "chắc"

Trong khi vẫn còn có người trốn khai báo khi đi từ vùng có dịch về hoặc khai báo quanh co để đỡ phải đi khám, xét nghiệm làm các cơ quan chức năng mất thời gian công sức thì lại có những người không có liên quan gì đòi xét nghiệm "tìm con cô vít" làm bác sĩ gặp không ít phiền toái.

Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người biết ông làm ở Bộ Y tế nên thường xuyên hỏi xét nghiệm COVID-19 ở đâu, như thế nào. 

"Ngày nào tôi cũng nhận được vài cú điện thoại hỏi xem mua test nhanh thử cô vít ở đâu? Đến đâu để được xét nghiệm? Có người còn hỏi có dịch vụ đến tận nhà để lấy mẫu xét nghiệm không? Điều kiện là bí mật đừng để hàng xóm trông thấy!" - ông Cường chia sẻ.

Chuyện đáng nói là những người hỏi thì toàn là những người không đi nước ngoài từ Tết đến giờ. Cũng không đi máy bay, không làm việc với Tây, không gặp ai ở nước ngoài mới về. Tóm lại không có yếu tố dịch tễ nhưng sẵn sàng bỏ tiền xét nghiệm cho yên tâm.

Dở khóc dở cười chuyện 'đòi xét nghiệm' COVID-19
Ảnh minh hoạ

Chỉ làm xét nghiệm nếu bác sĩ yêu cầu

Chuyện nhiều người nằng nặc đòi xét nghiệm COVID-19 để "cho chắc ăn", dù chưa cần hoặc không phải đối tượng cần phải xét nghiệm không phải hiếm giữa đại dịch COVID-19 đang lan ra toàn cầu.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu bằng câu chuyện rất "thời sự": 

"Tổng thống Donal Trump sau khi gặp ngài Jair Bolsonaro về, quyết không xét nghiệm COVID-19. Sau vài ngày ngài lại đổi ý, sẵn sàng đi xét nghiệm. Mọi người vào chê bai ngài hai lời".

Tuy nhiên, BS Cấp lại lý giải việc này hết sức dí dỏm: "Hãy tưởng tượng, cô gái mới đi chơi Valentine với người yêu. Ngày hôm sau đi thử Quickstic ngay, kiểu gì chả 1 vạch, phí tiền vô ích. Muốn thử thì phải sau 2-3 tuần, lúc thấy mỏi lưng, ậm ọe thì thử mới mong đúng được. Ngài Tổng thống sau vài ngày đi thử COVID-19 may ra dương tính, âm tính mới có giá trị. Chứ nghe theo lời đòi hỏi của truyền thông đi thử ngay có mà mắc lỡm".

Nói "chuyện người rồi đến ta", BS Trung Cấp chia sẻ: "Ấy vậy mà ở ta, ngày nào cũng có hàng chục người mới vào cách ly sùng sục đòi thử test SARS-CoV-2, giục giã gây sức ép với thầy thuốc đòi kết quả sớm".

Những người mới bị cách ly, lo lắng muốn biết kết quả sớm là chuyện có thể hiểu, song vị bác sĩ này cho hay, có người không có tiền sử tiếp xúc, không có triệu chứng gì vẫn vào bệnh viện đòi xét nghiệm. Có cả những công ty đòi người ứng tuyển phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới cho tuyển dụng. 

"Chỉ làm xét nghiệm nếu bác sĩ yêu cầu. Tự ý đòi xét nghiệm không đúng chỉ định, thời điểm chỉ phí tiền vô ích", BS Nguyễn Trung Cấp nhắn nhủ.

Trong công cuộc toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc người dân tự giác phòng ngừa dịch bệnh cho mình là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhiều người thái quá trong việc nhất quyết đòi xét nghiệm khi không có nguy cơ và khi chưa được bác sĩ yêu cầu khiến vừa tốn kém vừa làm ảnh hưởng đến người khác. 

Biết lo lắng cho sức khoẻ của mình là tốt, là góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Song hãy tỉnh táo và thông thái, đừng để sự lo lắng thái quá trở thành sự vô lý và vô ích, thành rào cản trong nỗ lực chung của cộng đồng.

Theo M.Anh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/do-khoc-do-cuoi-chuyen-doi-xet-nghiem-covid-19-2020031421470564.htm