Xã hội

Di tích Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng

Video: Hội An vào top điểm đến lãng mạn nhất thế giới dịp Valentine

Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đang xuống cấp trầm trọng, đã có nhiều ý kiến, giải pháp về việc bảo tồn di tích này, tuy nhiên đến nay việc bảo tồn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trải qua 7 lần trùng tu, Di sản văn hóa Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đang xuống cấp trầm trọng khi các hạng mục như mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo có dấu hiệu hư hỏng.

Tháng 8/2016, UBND TP Hội An tổ chức hội thảo quốc tế để tìm giải pháp bảo tồn di tích này. Hàng trăm ý kiến của các nhà nghiên cứu tâm huyết được đưa ra, tuy nhiên đến nay việc bảo tồn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng

Tình trạng xuống cấp ở Chùa Cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay, các hạng mục được làm từ gỗ xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ gấp. Đặc biệt, trước tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi ngày trung bình có 4.000 lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu nên việc sự xuống cấp là mối nguy hại đối với di tích này.

Về phần kết cấu trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời nhỏ, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột, mỗi khi có mưa, nước từ mái thấm xuống làm ảnh hưởng các hạng mục bằng gỗ của công trình.

Di tích Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng
Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Đức.

Trước đây, TP Hội An cũng có những đợt tu bổ, sửa chữa nhưng chủ yếu tập trung vào phần gia cố trụ móng di tích; cải tạo cảnh quan, nạo vét hồ điều hòa, xây kè chỉnh trang lại dòng chảy, phần kết cấu bên trên (gồm cầu và chùa) vẫn chưa can thiệp.

Trước thực trạng trên, người dân Hội An và du khách lo ngại sự xuống cấp của Chùa Cầu, nếu ngôi chùa cổ nhất Hội An cứ xuống cấp mà việc tu bổ, sửa chữa theo kiểu hư đâu sửa đó, không mang tính đồng bộ sẽ làm tổn hại thêm di tích mang tính tâm linh này.

Khó khăn trong sửa chữa

Tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý của Việt Nam và Nhật Bản với nhiều quan điểm, giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, hội thảo cũng không đưa ra một giải pháp cụ thể nào, từ đó đến nay việc lập hồ sơ dự án về tôn tạo Chùa Cầu vẫn chưa được thực hiện.

Di tích Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng - 1
Việc sửa chữa không đồng bộ có thể làm hư hại thêm di tích này. Ảnh: Thanh Đức.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho hay việc xuống cấp của Chùa Cầu đang theo mức độ lớn dần. Việc xuống cấp ở các hạng mục không làm sập chùa ngay và mấy năm gần đây cũng không có gió hay cơn bão nào lớn có thể làm sập cầu.

Nhưng với sự thay đổi của thời tiết như mưa bão nhiều hay lũ lụt kéo dài, dòng chảy lớn... thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu để gia cố Chùa Cầu được sử dụng từ kinh phí chống bão lụt hàng năm của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng Chùa Cầu là di tích quốc gia đặc biệt, vì thế cần có sự đồng nhất giữa các cơ quan về việc bảo tồn, trùng tu. Sắp tới UBND TP Hội An sẽ tổ chức một hội thảo nữa để quyết định giải pháp thực hiện.

"Hiện nay Chùa Cầu vẫn có thể chịu được tác động lực bên ngoài, nhưng mưa, gió hay bão thì phải gia cố phần móng. Chúng tôi cũng đã làm một cây cầu nhỏ song song với chùa Cầu để giảm tải bớt lượng du khách đi qua một lúc. Thành phố vẫn đang chờ các chuyên gia và phía UBND tỉnh về trùng tu Chùa Cầu", ông Sơn cho hay.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc sở Văn Hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh rất quan tâm đến việc bảo vệ di tích Chùa Cầu.

"Hiện nay Sở đã có một dự án làm sạch nước ở khu vực ven Chùa Cầu để giảm tối thiểu mùi hôi bốc lên vào mùa nắng. Còn việc trùng tu di tích, hiện nay TP Hội An đang xây dựng đề án tổng thể và chuẩn bị trình lên Thủ tướng để xin cơ chế đặc biệt bảo tồn đô thị cổ Hội An chứ không chỉ riêng Chùa Cầu", ông Hồng nói.

Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản hoặc "Lai Viễn Kiều". Cầu do người Nhật xây dựng vào thế kỷ XVII. Năm 1653, phần chùa được dựng thêm, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

Sau nhiều lần được trùng tu, Chùa Cầu mang các đặc trưng kiến trúc cổ của Hội An thế kỷ XVIII-XIX. Chùa Cầu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17/2/1990, đây cũng là cây cầu cổ duy nhất ở Hội An.

Theo Thanh Đức (Tri Thức Trực Tuyến)