Xã hội

Đề xuất treo biển trước cửa nhà người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng chỉ là 'khuyến cáo', không bắt buộc

Lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, việc treo biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19" trước cửa nhà người dân về từ TP.HCM và Đà Nẵng chỉ là khuyến cáo, không bắt buộc và phụ thuộc vào từng quận, huyện, thị xã.

Theo kế hoạch, từ ngày 10/10 đến 20/10, Hà Nội tổ chức thí điểm khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.

Thành phố đã bỏ quy định yêu cầu hành khách đến từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày, thay vào đó, người dân tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú, đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và Thành phố.

Trong công văn hỏa tốc ngày 11/10 gửi UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội gợi ý các địa phương có thể treo biển tại cửa nhà: "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19", kiểm soát chặt người dân về trên địa bàn.

Không riêng Hà Nội, trước đó nhiều địa phương cũng đã áp dụng biện pháp này nhằm tăng cường công tác giám sát người dân liên quan F0 hoặc về từ vùng dịch.

Đề xuất treo biển trước cửa nhà người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng chỉ là 'khuyến cáo', không bắt buộc
Hà Nội bỏ quy định cách ly tập trung hành khách bay về từ TP.HCM, yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà (Ảnh minh họa: Phương Thảo)

Chiều 12/10, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, việc treo biển trước cửa nhà người dân về từ TP.HCM và Đà Nẵng chỉ là khuyến cáo, không bắt buộc và phụ thuộc vào từng quận, huyện, thị xã.

Đây được xem là động thái cẩn thận hơn để phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh Hà Nội và cả nước đang thí điểm mở lại đường bay nội địa.

"Khi người dân đi từ vùng dịch về, chính quyền địa phương nắm thông tin và giám sát, tuy nhiên hàng xóm, người sống xung quanh không thể biết điều này. Do đó, nếu treo biển giám sát trước cửa nhà, sẽ giúp người dân hạn chế tiếp xúc", vị lãnh đạo nói.

Vị này cho hay, những người về từ vùng có dịch luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Do đó, người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, nhưng trên thực tế nhiều trường hợp không khai báo y tế, không tự theo dõi sức khỏe, thậm chí đi lại nhiều nơi.

"Những người đã tiêm đủ vaccine cũng có thể lây nhiễm cho cộng đồng, khi mà Hà Nội chưa bao phủ hết mũi 2, nguy cơ rất lớn và còn nhiều đối tượng chưa được tiêm vaccine, đặc biệt là trẻ em", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Ngoài việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu người dân xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được xử trí theo quy định.

Người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách và phối hợp với Cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài để sàng lọc, phân luồng hành khách và thông báo đến các quận, huyện, thị xã để quản lý, theo dõi sức khỏe và thực hiện xét nghiệm cho người dân tại nơi cư trú, nơi lưu trú; hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn đối với các quận, huyện, thị xã.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách về địa phương từ CDC và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để tiếp nhận quản lý; chỉ đạo các Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ người về từ các chuyến bay trên; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, hành khách muốn bay nội địa phải đáp ứng các tiêu chí sau:

- Tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi Covid-19).

- Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

- Khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu.

- Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...

- Trên máy bay, hành khách cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

- Kết thúc chuyến bay, trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người.

Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

 




https://doanhnghieptiepthi.vn/de-xuat-treo-bien-truoc-cua-nha-nguoi-bay-ve-tu-tphcm-da-nang-chi-la-khuyen-cao-khong-bat-buoc-161211210171021036.htm