Xã hội

Đề xuất đám cưới, đám tang sử dụng lòng đường, vỉa hè phải trả phí

Tất cả các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và phải nộp phí theo quy định.

Đó là nội dung chính trong dự thảo quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội, ngày 18.6.

Theo dự thảo, cá nhân hoặc tổ chức nếu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố làm điểm trông giữ xe, hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, tổ chức đám cưới, đám tang và một số hoạt động khác thì phải đóng phí. UBND quận, huyện xem xét cấp phép theo quy định. Mọi hoạt động phải đảm bảo chừa chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 m.

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng việc thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cần phải được tổ chức triển khai, quản lý một cách chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng của các cấp. Cụ thể, giao cho quận, huyện có trách nhiệm thế nào, quyền hạn đến đâu phải được nêu rõ; không được cho phép tràn lan và ai, cấp nào làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

“Việc thu phí giao về các địa phương dễ xảy ra tiêu cực như lợi ích nhóm hay bảo kê. Vì vậy, cần nghiên cứu, tiến hành quản lý hiệu quả hoặc giao cho một đơn vị trực thuộc thu phí để tránh tình trạng tiêu cực thì mới đảm bảo được lợi ích cho nhân dân”, ông Hậu nói.

Đề xuất đám cưới, đám tang sử dụng lòng đường, vỉa hè phải trả phí
Ảnh minh họa

Theo luật sư Hậu, hiện nay, tình trạng cán bộ phường, xã bảo kê cho phép sử dụng vỉa hè còn nhiều. Dù đã có nhiều chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, tuy nhiên những chiến dịch này không được tổ chức thường xuyên, chỉ diễn ra một thời gian nhất định khiến tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè lại tiếp tục tái diễn. Thực trạng trên đã đặt ra vấn đề về hiện tượng bảo kê hoặc buông lỏng diễn ra ngày càng phổ biến và công khai trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.

Do vậy, cần thiết phải siết chặt công tác quản lý trong nội bộ cơ quan và kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Đồng thời phải có quy định chế tài như xử lý cán bộ, công chức lạm quyền, cấp phép không đúng quy định.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Hậu cho biết tại vỉa hè đường Nguyễn Du, đoạn giao với Đồng Khởi gần trụ sở UBND quận 1 có nhiều bãi đậu xe tự phát của khách uống cà phê. Khách đậu xe ở đây được nhân viên bảo vệ mặc đồng phục dựng, dắt xe lên vỉa hè.

Ngoài ra còn nhiều tuyến đường khác trên địa bàn quận 1 đang lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trước tình trạng này, UBND quận 1 đã cho thôi việc một cán bộ quản lý trật tự đô thị khi người dân tố giác cán bộ này “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn.

Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Trường - Hội Cầu đường cảng TPHCM cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của quyết định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè là khâu tổ chức thực hiện. Bởi lẽ, với quyết định về quản lý lòng đường, vỉa hè trong 12 năm qua, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè trên phạm vi TPHCM không có tiến bộ, thậm chí bao trùm lên là đẩy người đi bộ đi xuống lòng đường. Cho nên, quyết định mới cần nói rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương; trong đó tổ chức thực hiện thì phường, xã là đơn vị quản lý sát nhất.

“Tôi ở Quận 4, chỗ vỉa hè quanh Trường Nguyễn Văn Trỗi vào buổi tối không thể nào đi được vì quán nhậu bán ốc chiếm dụng hết. Khi hỏi chủ quán thì họ bảo là phường cho thuê rồi, ông đừng hỏi tôi mà lên hỏi phường ấy. Cho nên, UBND phường, xã là đơn vị sát nhất và quản lý vấn đề này rất chuẩn” - ông Trường nói.

Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, kinh tế vỉa hè đã có ở nhiều quốc gia phát triển. Ví dụ, Singapore có hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố hay bán hàng lưu niệm; quảng trường thời đại New York nổi tiếng xe đẩy bán hotdog; Paris có các quán cà phê vỉa hè... Phần lớn các quốc gia này đều minh bạch trong việc thu phí vỉa hè, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng, đảm bảo được mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay TPHCM chưa quản lý tốt hoạt động kinh tế vỉa hè. Theo đó, TPHCM thiếu quy hoạch tụ điểm bán buôn vỉa hè, chưa minh bạch việc thu phí nên có hiện tượng tiêu cực trong quản lý, chưa kiểm soát tốt dẫn đến mất vệ sinh nơi công cộng, thiếu an toàn vệ thực phẩm, mất mỹ quan đô thị… Hệ quả, hoạt động kinh tế vỉa hè thiếu văn minh. Để việc thu phí vỉa hè được hiệu quả, công tác quản lý cần được thực hiện bài bản.

Trong quy hoạch tụ điểm bán buôn trên vỉa hè cần nhất là lựa chọn điểm mà nhu cầu lớn như gần trường đại học, chợ truyền thống, công sở… nhằm bảo đảm rằng buôn bán ở đây sẽ thuận lợi hơn những nơi khác thì người ta sẽ tập trung vào đây. Nơi nào muốn hạn chế kinh doanh trên vỉa hè thì áp mức phí cao hơn. Về phía cán bộ quản lý vỉa hè thì phải thường xuyên luân chuyển để tránh các hiện tượng tiêu cực, tránh các mối quan hệ tiêu cực giữa công chức với người bán, thiếu công bằng giữa những người bán.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, dự thảo này thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23.10.2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM với thẩm quyền quản lý vỉa hè, đa phần giao quận, huyện. Điểm mới ở dự thảo này là việc cấp phép các điểm bố trí xe hai bánh, hoặc xe đạp miễn phí để tiếp cận các trạm dừng xe buýt thì Sở GTVT chủ động với quận, huyện cấp phép.

“Đối với vỉa hè, trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận được ý kiến của người dân đồng tình rất cao về việc vỉa hè là phục vụ chính cho người đi bộ và một số chức năng cũng phải tạo điều kiện để xe tự quản, các hoạt động kinh doanh nếu như phù hợp” - ông Lâm nói.

HP (Nguoiduatin.vn)