Xã hội

ĐBQH Sùng Thìn Cò: 'Muốn mua thịt lợn rẻ thì lên ti vi mà mua'

Người bán hàng buông lời thách thức rằng “muốn ăn thịt lợn rẻ lên ti vi mà mua”, trong khi đó giữa tâm dịch Covid-19 giá thiết bị xét nghiệm bị nâng khống, còn khẩu trang bị găm hàng, “thổi” giá.

Đó là những bức xúc của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày (5/11).

Đại biểu Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) cho biết: Vấn đề chăn nuôi trước dịch tả châu Phi, giá thịt lợn chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Trong giai đoạn có dịch và sau dịch giá thịt lợn lên đến 200.000-220.000 đồng/kg.

Từ tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, tăng cường tái phát triển đàn lợn, nhập khẩu thịt lợn để cân đối nhu cầu tiêu thụ, giảm giá thịt lợn xuống.

Theo đại biểu, cho đến nay, mức độ giảm giá thịt lợn rất chậm. Hiện giá thịt lợn ở vùng cao từ 160.000-180.000 đồng/kg. Ở Hà Nội và các khu lân cận thì khoảng 140.000-150.000 đồng/kg, giá rất cao.

“Xin lỗi các đồng chí đại biểu Quốc hội, nhiều khi ra chợ hỏi mấy người bán thịt ở chợ họ nói muốn ăn thịt lợn rẻ thì lên tivi mà mua. Vấn đề này chúng ta cũng cần phải suy nghĩ” - đại biểu Sùng Thìn Cò bày tỏ sự bức xúc.

Về việc việc chuẩn bị giống lợn con, đại biểu cho rằng cũng chưa có bước đột phá. Bởi hiện nay một con lợn khoảng 6 - 7 kg hía là 2,3 - 2,5 triệu đồng/con. “Giá cao như vậy thì người dân nghèo khổ thì làm sao mua được lợn về nuôi” - đại biểu nói và cho rằng trong năm tới phải quan tâm đến vấn đề này.

ĐBQH Sùng Thìn Cò: 'Muốn mua thịt lợn rẻ thì lên ti vi mà mua'
Đại biểu Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang)

Đại biểu đoàn Hà Giang cũng bộc bạch: Người nông dân có con chó, con lợn, con gà mang ra chợ bán được thì người ta còn có tiền để mua áo, quần cho trẻ con, mua muối, mì chính, phân đạm, phân bón, giống thóc, giống ngô, rồi phương tiện cho sản xuất, nếu mà không có là người ta chịu, người ta không biết lấy tiền ở đâu...

Đáng chú ý, đại biểu là Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 nói: "Tôi cũng như các Đại biểu Quốc hội ngồi trên hội trường cơ bản chúng ta có khuyết điểm với nhân dân", khi đề đề cập đến việc thực thi pháp luật về công tác phòng chống tác hại của rượu bia.

"Lẽ ra khi luật có hiệu lực chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, nói rõ với nhân dân rằng ngày này, giờ này Nghị định 100 có hiệu lực bà con khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu nhưng mình không tuyên truyền đến nơi đến chốn, mình biết nhưng bà con không biết cho nên bà con bị bất ngờ", đại biểu Sùng Thìn Cò nói và cho hay, khi bà con không biết, ra chợ uống rượu rồi điều khiển phương tiện giao thông, bị lực lượng chức năng bắt xử phạt từ 6-8 triệu đồng "thì người dân không có tiền, lại phải đi vay chỗ này, chỗ kia để nộp phạt".

"Tôi nói với các đồng chí là đối với chúng ta 6-7 triệu không to nhưng đối với người dân đấy là một số tiền rất to, đặc biệt là những người dân ở vùng cao… Cho nên chúng ta cần phải nhìn nhận rằng: Chúng ta là đại biểu của dân, chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, đặc biệt là những cái liên quan đến túi tiền của dân thì càng phải tuyên truyền, giáo dục đến nơi đến chốn", đại biểu Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.

HP (Nguoiduatin.vn)