Xã hội

'Dâng sao, giải hạn là mê tín, thiếu hiểu biết về luật nhân quả'

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, gốc rễ của việc dâng sao là sự thiếu hiểu biết về luật nhân quả vận hành trong vũ trụ, từ đó ngộ nhận rằng có 28 vì sao chiếu mạng con người.

Cứ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các chùa, đền, phủ, điện để làm lễ dâng sao, giải hạn.

Vài năm nay, không ít ngôi chùa lớn xảy ra tình trạng quá tải vì người tới xếp hàng, chen lấn chờ làm lễ. Nhiều trường hợp chi hàng trăm triệu để lập đàn, bất chấp nguy hiểm đổ xô ra lòng đường, thậm chí đốt cả tấn vàng mã mong hóa giải vận hạn khi lỡ vướng vào sao xấu, hoặc nhằm cầu nguyện cho một năm mới được nhiều điều như thỉnh cầu.

'Dâng sao, giải hạn là mê tín, thiếu hiểu biết về luật nhân quả'
Người dân ngồi tràn ra cổng chùa, xuống cả lòng đường khi dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Tiến Tuấn.

Không có sao xấu, sao tốt

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng tập tục dâng sao, giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, nằm trong nghi lễ của Lão giáo (Đạo giáo), bắt nguồn từ Trung Hoa.

Theo ông, không nên xem đây là vấn đề tâm linh. Thậm chí, nếu theo Phật giáo, dâng sao, giải hạn còn được xem là hoạt động mê tín, không được khuyến khích. 

Gốc rễ của việc này là sự thiếu hiểu biết về luật nhân quả vận hành trong vũ trụ, từ đó ngộ nhận rằng có 28 vì sao chiếu mạng con người. Thật ra, các vì sao đó gọi là quả địa cầu, định tinh, hành tinh, và có hàng tỉ vì sao như thế, nên việc cho là 28 vì sao chiếu soi con người vừa là mê tín, vừa thiếu cơ sở khoa học với quan điểm triết học vũ trụ và nhân sinh của Phật giáo.

"Giáo lý nhà Phật không định ra sao xấu, sao tốt, ngày xấu, ngày tốt. Đừng nhận thức sai về các quy luật, hoặc nghĩ rằng có các hành vi chi phối giữa phước và tội, tốt và xấu, dẫn tới dâng cúng để không bị khó khăn, trở ngại", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Còn với các chùa Phật giáo Việt Nam, lễ cầu an đầu năm sẽ hướng tới việc cầu thế giới hoà bình, cầu đất nước độc lập chủ quyền, thịnh vượng phát triển, nhà nhà người người sống được bằng đồng lương của mình một cách chân chính. Về bản chất, nguyện ước này là một yếu tố tâm lý để tạo niềm hy vọng, giúp con người vươn lên phía trước, cho tâm an vui, thanh tịnh, chứ không thoát ra được cái xấu, mang về cái tốt.

'Dâng sao, giải hạn là mê tín, thiếu hiểu biết về luật nhân quả' - 1
300 cán bộ chiến sĩ cùng 100 dân phòng được bố trí bảo đảm an toàn và phân luồng giao thông vì quá đông người tới làm lễ giải hạn. Ảnh: Tiến Tuấn.

Không thể giải được hạn

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hội đồng Trị sự Phật giáo TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM cho biết đối với việc dâng sao, giải hạn "ai cúng thì cúng, Giáo hội Phật giáo không cấm, không khuyến khích, nhưng việc này không thể giải được hạn".

Thế nhưng nếu các chùa vừa tụng kinh, vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất để kiếm tiền. 

"Không phải đi chùa càng nhiều, dâng lễ càng nhiều thì gặp được nhiều điều tốt. Nếu vậy, chẳng phải người giàu có càng tới chùa nhiều thì càng gặp phúc, không phải tu tâm đức hay sao", hòa thượng Thích Thiện Tánh cho biết.

Đầu năm mới, đối với các Phật tử, Hòa thượng khuyên hãy coi chùa, đền, phủ, điện là những nơi tới vãn cảnh, để tâm hồn tĩnh lặng. Khi lễ hãy cầu sức khỏe, tâm an. Đừng xin lợi mình, hại người, cầu vái giàu sang.

"Cái hạn, cái không may là điều tự nhiên. Con người có lúc yếu, lúc khỏe cũng là thời vận. Khi có thể hãy làm điều thiện, điều nghĩa. Đừng nghe lời mê tín, bày vẽ, cúng bái tốn kém mà lại không đi đến đâu, rồi đánh mất đức tin".

Đốt vàng mã là vô nghĩa

Nói về tập tục đốt vàng mã, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định đây là hành động vô nghĩa, tạo ô nhiễm, phá tài sản, thiếu hiểu biết về quy luật. Tất cả các loại vàng mã bản chất là đồ giả, vật dụng thật thì khi đốt đi cũng thành tro, không có giá trị sử dụng. Theo nhà Phật khi mọi người chết đi sẽ tái sinh kiếp sau. Tập tục cúng như thế nên chuyển đổi thành những việc thiện, việc nghĩa.

Hòa thượng Thích Thiện Tánh cho rằng nên hạn chế việc đốt vàng mã để tiết kiệm, bảo vệ sự thanh tịnh nơi chùa chiền, hạn chế phát sinh cháy nổ. Ngoài ra, Nhà nước nên kiểm soát những nơi in ấn tiền âm phủ, vàng mã.

Theo Ngân Giang (Tri Thức Trực Tuyến)