Xã hội

Cuối tuần, miền Bắc nắng nóng đặc biệt gay gắt, nền nhiệt tới 40 độ C

Dự báo thời tiết từ ngày 17-23/6, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc nắng nóng đặc biệt gay gắt vào hai ngày cuối tuần với nền nhiệt lên tới 40 độ C.

Đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 15/6 với nhiệt độ cao nhất lên 35 độ, sau đó mỗi ngày tăng lên một độ. Cao nhất hôm qua là Lạc Sơn, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) 38 độ, Hà Nội 37 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, cách mặt đất 2 m, thực tế ngoài trời thường cao hơn 2-4 độ, tùy địa hình.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết ngày 21/6, tâm điểm rơi vào hai ngày cuối tuần với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C. Một số nơi như Chi Lê, Lạc Sơn (Hòa Bình), Mường La (Sơn La) có thể hơn 40 độ C.

Trang Accuweather của Mỹ dự báo, thứ bảy (19/6) Hà Nội 30-38 độ, chủ nhật là 29-39 độ và duy trì hết thứ hai tuần sau. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) từ giờ đến cuối tuần nhiệt độ từ 18 đến 25 độ, riêng thứ hai tăng lên 18-26 độ C.

Miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nhất 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Thời gian nhiệt độ trên 35 ở cả miền Bắc và Trung đều dài, 10-19 giờ. Ban đêm vẫn rất nóng, như Hà Nội duy trì 29-30 độ C. Độ ẩm không khí chỉ 40-55%. Vì thế nguy cơ cháy nổ ở khu dân cư, cháy rừng ở miền Trung sẽ rất lớn.

Trước đó miền Bắc và Trung đã trải qua đợt nắng nóng kéo dài từ 28/5 đến 3/6, với hàng loạt tỉnh thành như Sơn La, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Dương trên 40 độ C. TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nóng 41 độ C.

Cuối tuần, miền Bắc nắng nóng đặc biệt gay gắt, nền nhiệt tới 40 độ C
Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong những ngày thời tiết đặc biệt nắng nóng như vậy, những người phải làm việc, đi lại ngoài trời rất dễ bị say nắng. Đặc điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt >40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.

Vì vậy, khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, người dân nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 – 15 phút.

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm.

Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò… rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Trâm (Nguoiduatin.vn)