Xã hội

Cuộc sống của những 'ông chủ' nơi bãi vàng lớn nhất Đông Nam Á

Từ khi mỏ vàng Bồng Miêu đóng cửa, nhiều tệ nạn nổi lên. Với nỗ lực của chính quyền Quảng Nam, "đại nạn" ấy tạm lắng xuống. Nhưng hiện nay, bên cạnh nạn khai thác lén lút, người dân Bồng Miêu - những "ông chủ" thật sự nơi cánh đồng vàng lớn nhất Đông Nam Á vẫn phải “đói nghèo” trên mảnh đất quê hương.

Theo người dân Tam Lãnh kể lại, khi Nhà nước chưa có quyết định dứt khoát về việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thì thổ phỉ liên tục ào vào, tệ nạn nổi lên. Chém nhau, cướp giật, chết người, buôn lậu hóa chất, thuốc nổ... xảy ra liên tục. Từ đó, người dân gọi nơi đây là “lãnh địa đen”.

Từ khi có sự quyết liệt từ các ngành chức năng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Tam Lãnh mới cơ bản ổn định. Tuy vậy, hằng ngày vẫn có hàng chục lao động làm việc lén lút ở mỏ vàng này. Đa số họ là người dân Tam Lãnh - vốn là những “ông chủ” thực sự của bãi vàng - nhưng lại bị đói nghèo nên phải vào đây để bòn mót xái thải vàng.

Cuộc sống của những 'ông chủ' nơi bãi vàng lớn nhất Đông Nam Á
Những chiếc xe dùng để chở xái thải vàng ở Bồng Miêu.

Đáng buồn hơn khi trong “cánh đồng vàng” lớn nhất Đông Nam Á một thời vang bóng, hằng ngày, có hàng chục người lặn lội vào bãi thải để đãi đất, đào đá tìm vàng. Mỗi người một hoàn cảnh và điểm chung duy nhất giữa họ là không có nghề nghiệp ổn định, đất đai lâm nghiệp đều thuộc về công ty.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) - cho biết, những lao động hiện nay đang bòn mót trong bãi vàng là những công nhân mỏ vàng ngày trước.

Cuộc sống của những “ông chủ” nơi mỏ vàng lớn nhất Đông Nam Á.

“Khi mỏ đóng cửa, họ trở thành những người thất nghiệp. Vì đất đai đều thuộc về công ty vàng Bồng Miêu nên họ không có đất đai sản xuất. Địa phương vừa kiến nghị lên Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam sớm giải quyết vấn đề của công ty này theo Luật Phá sản. Từ đó, địa phương tiến hành đo đạt để giao đất cho người dân.

Cuộc sống của những 'ông chủ' nơi bãi vàng lớn nhất Đông Nam Á - 1
Những “ông chủ” giờ phải mót vàng trên mảnh đất quê hương.

Còn với cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của công ty vàng Bồng Miêu, địa phương cũng đã xin UBND tỉnh Quảng Nam cho phép trưng dụng lại để làm trường học cho các cháu mầm non. Hơn nữa, địa phương cũng có nhiều hộ dân sống trong vùng sạt lở, việc sử dụng nơi này làm nhà ở hoặc nơi cư trú trong mùa mưa bão là điều mà chúng tôi rất tha thiết…” - ông Vinh nói.

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, trước đây, số lao động vào bòn mót xái thải vàng rất đông, nhất là phụ nữ. Để họ không còn vào bãi vàng làm việc, địa phương tiến hành mở các lớp học để chuyển đổi ngành nghề, vì thế đã giảm bớt phần nào.

Hiện vẫn còn từ 18 - 20 nhóm vào khai thác vàng lén lút ở những vùng giáp ranh, cũng bởi một phần là do họ không có đất đai, nghề nghiệp. Địa phương mong muốn mỏ vàng sớm phục hồi hiện trạng môi trường, từ đó, địa phương mới có kế hoạch tạo lập sinh kế để thoát nghèo bền vững cho người dân Tam Lãnh…

Theo Đỗ Vạn (Lao Động)