Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

COVID-19 diễn biến phức tạp ở Châu Âu: 'Con về đến Việt Nam là tôi mừng phát khóc!'

Dù biết chắc chắn không được gặp con trực tiếp nhưng vợ chồng chị Kim Yến vẫn đến Tân Sơn Nhất sớm rồi ở cổng mong ngóng, để biết con mình về bình yên.

"Về Việt Nam là yên tâm rồi, khi nào con lên xe đi cách ly ở đâu thì nhắn cho mẹ. Ở trong sân bay người ta hướng dẫn sao thì con tuân thủ. Về đến đây nóng rồi thì con cởi áo khoác ra không thì thân nhiệt nóng, đo nhiệt độ người ta tưởng sốt thì phiền. Về Việt Nam sân bay người ta khử trùng thường xuyên thì con yên tâm rồi. Tụi con ý thức đứng cách xa nhau, đeo khẩu trang nhé. Việt Nam làm kỹ lắm, con không phải lo".

Đó là nội dung của cuộc điện thoại giữa chị Lê Thị Kim Yến (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) trao đổi với con trai khi con chị vừa đáp chuyến máy bay từ Helsinki (Phần Lan) hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất.

Mặc dù 7h55 chuyến bay của con chị Yến mới hạ cánh nhưng ngay từ sáng sớm, vợ chồng chị Yến đã có mặt tại sân bay. Và dù biết không được gặp con trực tiếp nhưng chị Yến và chồng vẫn chờ ở cổng mong ngóng, để biết con mình về bình yên."

COVID-19 diễn biến phức tạp ở Châu Âu: 'Con về đến Việt Nam là tôi mừng phát khóc!'
"Con về Việt Nam là tôi yên tâm" - chị Kim Yến chia sẻ. Ảnh: Kim Vân

Chị Yến kể, con trai chị theo học thạc sĩ ngành Tài chính Định lượng ở Hamburg, Đức. Đây là chuyến bay cuối cùng từ Phần Lan về Việt Nam. Trước đó, con chị định từ Hamburg lên Frankfurt đi máy bay Vietnam Airlines bay thẳng về Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình từ Hamburg di chuyển bằng phương tiện công cộng nhiều rủi ro về dịch bệnh COVID-19 nên vợ chồng chị tư vấn cho con bay từ Harmburg sang Phần Lan mất 1h50 phút và quá cảnh tại đây chỉ 1 giờ. Con chị Yến có thị thực châu Âu nên không phải nhập cảnh, đủ thời gian để lên chuyến bay cuối cùng từ Phần Lan về Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên về quyết định tại sao lại cho con từ Đức về Việt Nam, chị Yến cho hay, con trai chị ở vùng không có nhiều người nhiễm COVID-19 nhưng ở nước ngoài, họ chỉ quan tâm tới công dân của họ, còn người ngoại quốc ít được quan tâm hơn. 

Chưa kể, ở Đức, chỉ có những người sức khỏe kém mới dùng khẩu trang, còn lại họ không đeo nên vợ chồng chị thấy không an toàn và yên tâm cho con. 

Chị Yến nhấn mạnh rằng: "Tôi thấy Việt Nam cứu chữa bằng mọi giá cho người nhiễm COVID-19 nên quyết định cho cháu về. 

Vừa qua, tôi cũng thấy có người nước ngoài lớn tuổi, nhiều bệnh nền bị nhiễm COVID-19 ở Việt Nam mà các bác sĩ vẫn cứu chữa được. Về Việt Nam dù như thế nào thì mình cũng không lo. Thật sự là gia đình tôi phải cảm ơn Đảng, Chính phủ Việt Nam".

Vợ chồng chị Yến cũng rất tán thành với chủ trương của nhà nước về việc cách ly những người Việt trở về vùng lãnh thổ có dịch COVID-19: "Gia đình tôi ủng hộ việc con phải cách ly đủ 14 ngày vì về gia đình giám sát khó lắm. Bởi nhiều khi bố mẹ thương con cho đi tùm lum, tiếp xúc với người nhà rồi người nhà đi làm sẽ có nguy cơ lây cho người khác. Chủ trương của nhà nước mình là đúng, mình phải chấp hành, tuân thủ. Đó là vì sức khỏe của cả cộng đồng".

COVID-19 diễn biến phức tạp ở Châu Âu: 'Con về đến Việt Nam là tôi mừng phát khóc!' - 1
Ô tô chở những người từ các nước vùng dịch về sân bay Tân Sơn Nhất đi cách ly tập trung. Ảnh: Kim Vân

Cũng giống chị Kim Yến, chị Nguyễn Thị Thủy (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đang mong ngóng con gái theo học thạc sĩ bên Anh về. Chị kể, con gái chị sinh năm 1994, bay từ Manchester (Anh) qua Phần Lan rồi về Việt Nam chứ không dám đi qua London vì đó là ổ dịch.

Theo chị Thủy, tình hình dịch bệnh ở Anh phức tạp khiến gia đình chị sốt ruột, giờ con gái về Việt Nam là chị và gia đình an tâm. Trong suốt cuộc nói chuyện với phóng viên, chị Thủy liên tục nhận được điện thoại của người thân hỏi về việc con gái chị đã về Việt Nam chưa, tình hình sức khỏe ra sao.

"Con gái về đến Việt Nam là tôi yên tâm. Cháu đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đi cách ly tập trung từ bên Anh. Tất cả đồ đạc 2 năm học bên đó của cháu, sau khi được an ninh, kiểm dịch sân bay khử trùng, tôi sẽ mang về nhà cho cháu. Con gái tôi đã chuẩn bị riêng một vali nhỏ để mang theo đến khu cách ly tập trung rồi. Hiện giờ cháu và tôi vẫn không biết là cháu sẽ đi cách ly ở khu vực nào của thành phố nhưng điều đó thật sự không quan trọng. Về tới sân bay Việt Nam là mừng phát khóc" – chị Thủy nói

Học kỳ quân đội – nhật ký 14 ngày cách ly

5h15, tiếng còi báo thức ở Tiểu đoàn 15, Đại đội 36 khiến Lê Hoàng Giang (du học sinh đang theo học Đại học Hertfordshire, Anh) thức giấc. Trải nghiệm về thời gian tại khu cách ly ở đây khiến Giang rất phấn chấn. Giang tâm sự, những ngày cách ly ở quân đội sẽ là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cô du học sinh từ Anh về Việt Nam.

COVID-19 diễn biến phức tạp ở Châu Âu: 'Con về đến Việt Nam là tôi mừng phát khóc!' - 2
Người Việt xếp hàng ở sân bay Heathrow để bay về Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Giang.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài sau chuyến bay từ Luân Đôn (Anh) hôm 17/3, Giang cùng các kiều bào và du học sinh được đưa đến Tiểu đoàn 15. Khu cách ly rất yên tĩnh vì biệt lập với bên ngoài. Ở đây, cô và mọi người được phục vụ cơm ngày 3 bữa với thực đơn thay đổi mỗi ngày. Nhân viên y tế đo nhiệt độ 2 lần/ngày. Đại đội trưởng thì cung cấp sim điện thoại 4G để mọi người có thể chia sẻ những thông tin và hình ảnh đến người thân. Do vậy, không ai còn cảm giác buồn và lo sợ.

Giang cho hay, những ngày cách ly vừa qua cô có thêm những người bạn mới cùng sinh hoạt trong khu vực cách ly, dù khác nhau về vùng miền, văn hóa nhưng một sợi dây vô hình đã đưa họ trở lại gắn bó và thân thiết với nhau.

"Được thực tế sống trong môi trường cách ly như thế này mới càng thấy tự hào về quê hương Việt Nam. Mặc dù đất nước mình còn thiếu thốn, khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có sự chuẩn bị rất chu đáo để phòng chống và dập dịch, hỗ trợ tối đa những người con xa xứ, du học sinh trở về" – Hoàng Giang nói.

Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/covid-19-dien-bien-phuc-tap-o-chau-au-con-ve-den-viet-nam-la-toi-mung-phat-khoc-20200320091945233.htm?fbclid=IwAR1xWyHE0XoGfYJy-7OshGSHkSoC6xxf2MXCOv8Qn8K4ntii0frSOMxvdy0