Xã hội

Công dân có thể bị tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp nào?

Theo quy định hiện hành, biện pháp “tạm hoãn xuất cảnh” có thể áp dụng với chủ thể là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của những người này có dấu hiệu bỏ trốn.

Hỏi: Cách đây 2 năm tôi từng bị bắt về tội đánh bạc và đã bị xử phạt hành chính. Hiện nay, tôi có việc muốn ra nước ngoài, tôi rất băn khoăn việc tôi đã có tiền sự thì có ảnh hưởng đến việc xuất cảnh không? Công dân có thể bị tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp nào? Cơ quan nào được quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh?

Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Công dân có thể bị tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp nào?
Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, biện pháp “tạm hoãn xuất cảnh” có thể áp dụng với chủ thể là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của những người này có dấu hiệu bỏ trốn.

Như vậy, nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bạn không tái phạm thì bạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối chiếu với trường hợp trên thì bạn được quyền xuất cảnh.

Tuy nhiên, khi bạn muốn xuất cảnh thì phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, cụ thể: Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên; Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực; Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

Điều 36 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp công dân bị tạm hoãn xuất cảnh. Bao gồm: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Những người sau đây có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp này:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, quyết định tạm hoãn phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử;

- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Người bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh nếu không đồng ý, có thể khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp theo quy định pháp luật.

Theo LS Khương Tân Phương (Báo Công Lý)




https://congly.vn/cong-dan-co-the-bi-tam-hoan-xuat-canh-trong-nhung-truong-hop-nao-210277.html