Xã hội

Có thể dùng ngân sách mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn từ năm học 2022 - 2023

Lộ trình và quy định liên quan tới học phí được yêu cầu xử lý theo thẩm quyền đã được quy định, trong khi việc dùng ngân sách mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn có thể được xem xét, nghiên cứu để thực hiện từ năm học này.

Ngày 9/8, báo Tuổi Trẻ dẫn thông báo của Văn phòng Chính phủ kề kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp về học phí phổ thông và sách giáo khoa.

Cuộc họp diễn ra ngày 2/8 do hai Phó thủ tướng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội…

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ thống nhất đối với việc đề xuất ban hành nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh lộ trình và một số nội dung quy định liên quan tới học phí.

Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan địa phương đã được quy định và không đưa vào nội dung dự thảo nghị quyết.

Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo chủ động phối hợp với bộ ngành, địa phương và cơ quan có liên quan để thống nhất, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, quyết định, đảm bảo kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và quy định của pháp luật.

Về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng, hai Phó thủ tướng thống nhất giao Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ kịp triển khai từ năm học 2022 - 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Có thể dùng ngân sách mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn từ năm học 2022 - 2023
Có thể dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn - Ảnh: D.PHAN

Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.

Những năm qua, vấn đề sách giáo khoa luôn được dư luận quan tâm. Ngoài vấn đề về tái sử dụng sách giáo khoa, thì giá sách giáo khoa cũng là một nội dung được nhiều người quan tâm.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ đã tăng cường quản lý. Về phương diện chuyên môn và kỹ thuật, Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách, sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.

Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/co-the-dung-ngan-sach-mua-sach-giao-khoa-pho-thong-cho-hoc-sinh-muon-tu-nam-hoc-2022-2023-tintuc835913