Xã hội

Chuyển trường cho học sinh phản ánh giáo viên 'quyền lực' là sự thất bại trong giáo dục?

Việc chuyển trường cho em Phạm Song Toàn - học sinh phản ánh giáo viên im lặng suốt 3 tháng - đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Và điểm chung trong các ý kiến đó là mong muốn ngành giáo dục trân trọng và nuôi dưỡng phẩm chất của em.

Trước quyết định về việc thực hiện hoàn tất hồ sơ chuyển trường cho học sinh Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) - học sinh đã phản ánh về giáo viên “quyền lực” không giảng bài suốt 3 tháng với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trong cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 23.3 vừa qua - nhiều người đã bày tỏ quan điểm khác nhau.

Chuyển trường cho học sinh phản ánh giáo viên 'quyền lực' là sự thất bại trong giáo dục?
Sau sự việc, ai cũng muốn ngành giáo dục trân trọng và nuôi dưỡng phẩm chất của em Phạm Song Toàn

Bạn đọc Nguyễn Xuân Hanh (Q.5, TP.HCM) cho rằng quyết định cho Phạm Song Toàn chuyển trường là một thất bại của công tác quản lý giáo dục. Thất bại trong công tác quản lý là đã để xảy ra sự việc như thế trong một thời gian dài mà ban giám hiệu không nắm thông tin, dù đã mạnh dạn nhận trách nhiệm ngay khi học sinh dũng cảm phản ánh. Tiếp đó là đã để những giáo viên như cô giáo T.T.M.C còn đứng lớp song song với đó là sự vô cảm, vô trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên biết sự việc mà không cáo báo han giám hiệu kịp thời xử lý khiến học sinh bị bạo hành tinh thần, thiệt thòi về quyền lợi học tập…

Tương tự ông Vũ Quốc Thể, phụ huynh một học sinh ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cho rằng việc chuyển trường là cách chữa cháy tức thời. Dù đó là mong muốn của gia đình nhưng thật sự môi trường giáo dục đã khiến họ không thấy an tâm. Lẽ ra ngành giáo dục phải làm cho học sinh thấy được quyền lợi của mình trong trường. Để cháu học bình thường, nhà trường và gia đình có trách nhiệm quan tâm, động viên cháu, một thời gian sẽ bình thường trở lại thôi. Chuyển trường có thể sẽ làm cho cháu thêm một nỗi bất an lớn về tâm lý.

Riêng phụ huynh học sinh Cao Hoàng Đông (Q.3, TP.HCM) lo lắng: “Liệu em Toàn chuyển trường mới, nơi đó có cách nhìn tốt hơn không? Hay người ta luôn đề phòng, dè chừng học sinh bản lĩnh, không khéo làm em hoang mang thêm”. 

Trước những lo lắng này, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh (Trường ĐH Sài Gòn) thông qua mạng xã hội gửi chia sẻ đến Toàn: “Cô muốn được gởi tới con 2 cái ôm thật chặt (một của cô và một của con gái cô) và chuyển đến con 2 chữ “Khâm phục” từ con gái cô - bạn Minh Anh 18 tuổi. Với con gái cô, con là một anh hùng”. 

Trên Facebook của mình, thạc sĩ Thụy Anh viết rằng: “Toàn mến, nếu con và gia đình chọn giải pháp chuyển trường, hãy xem đây là một dấu ấn tuyệt vời trong hành trình đến với tuổi 18 của con và năm sau con 18 rồi đúng không. Có những lúc khi cuộc đời buộc chúng ta phải lựa chọn một lối rẽ cho chính mình, có những người họ biết chắc đâu là lối rẽ phải chọn nhưng họ đã từ chối lựa chọn nó vì khó quá, vì ngại va chạm, vì họ sợ cả áp lực số đông... và con đã chọn cho mình một lối rẽ mà số đông đã không chọn - sự lựa chọn này là nền tảng hình thành nên sự chính trực, một tố chất mà bất cứ công dân, lãnh đạo của một đất nước nào cần phải có. Chúc mừng con và sự lựa chọn trước ngưỡng cửa tuổi 18! Bố mẹ của Toàn ơi, xin chúc mừng anh chị! Con gái anh chị đã thật sự trưởng thành rồi đây! Thương và tin con!”.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Thụy Anh không quên gửi gắm: “Ban giám hiệu, thầy cô và bạn bè ở ngôi trường mới mà Toàn sắp chuyển về ơi, hãy trân trọng, nuôi dưỡng phẩm chất này của Toàn, hãy làm cho Toàn biết em thật sự được đón chào từ các bạn”.

Theo Bích Thanh (Thanh Niên Online)