Xã hội

Chuyện lạ: Chàng trai Hà Nội không dám đi vệ sinh vì... sợ bẩn

Đỉnh điểm, gần đây Hoài không dám đi vệ sinh dù khó chịu. Bụng trương lên, gia đình đành phải... thụt. Hoài bị ám ảnh sợ bẩn.

20 tuổi, Hoài khiến bố mẹ lo lắng khi anh có biểu hiện lạ, sợ hãi đồ đạc xung quanh mình vì luôn cảm thấy nó bẩn.

Tình trạng kéo dài 8 năm nay. Chứng bệnh khiến Hoài chỉ loanh quanh trong nhà, không mấy khi ra ngoài và cần có bố mẹ bên cạnh giúp đỡ.  

Cứ chạm vào bất kỳ đồ đạc gì, kể cả bát đũa, Hoài đều lập tức lao đi rửa tay bằng xà phòng. Ngại đi ra ngoài, chàng trai Hà Nội còn không bắt tay ai vì... sợ nhiễm vi khuẩn. Khi gặp thùng rác, Hoài rùng mình ớn lạnh... 

Nhận thấy nỗi ám ảnh sợ bẩn của con ngày càng nặng, bố mẹ Hoài nhiều lần đưa con đến bác sĩ tâm lý khám, tư vấn. Gần đây, nam thanh niên không dám đi vệ sinh một mình, phải có sự hỗ trợ của bố mẹ, y như những ngày chưa đi học tiểu học, bố mẹ anh phải... lau rửa hàng ngày cho cậu con trai gần 30 tuổi. 

Mới đây, vì nhất định không đi đại tiện, bụng của Hoài căng trướng. Gia đình phải thụt rửa. Thấy tình trạng tồi tệ, gia đình đưa Hoài đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Bác sĩ chẩn đoán Hoài mắc bệnh ám ảnh, cụ thể là ám ảnh sợ bẩn.

Sợ nhiễm vi khuẩn nên khi tới khám, bắt tay bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Trẻ em và vị thành niên, Hoài rất ngại ngần. Khi về nhà, anh này lại rửa đi rửa lại tay. 

Chuyện lạ: Chàng trai Hà Nội không dám đi vệ sinh vì... sợ bẩn
Tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Viện Sức khoẻ tâm thần

Hoài được nhập viện điều trị, áp dụng nhiều biện pháp cải thiện ám ảnh. Anh cũng được tiếp xúc với các hành vi được cho là bẩn với các mức độ từ thấp tới cao. Vào viện, Hoài thường xuyên được khuyến khích bắt tay các bệnh nhân khác, tự đi rửa cốc, chén. Lần đầu từ khi mang bệnh, Hoài biết cầm chổi lau nhà, đó là khi ở viện.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, có những bệnh nhân đồng cảnh ngộ với Hoài, sợ bẩn tới mức mỗi ngày phải rửa tay vài chục lần bằng xà phòng. Da tay dần mòn, khô cứng, bong tróc, chỉ vì một ngày hàng trăm lần rửa tay.

Bệnh ám ảnh gồm nhiều biểu hiện, mỗi bệnh nhân sẽ có một hoặc vài ám ảnh sợ hãi khác nhau. Thường gặp nhất sợ rắn rết, côn trùng, khoảng trống, sợ áo blouse trắng, sợ độ cao... Bệnh nhân thường xuyên bị căng thẳng, lo âu, thậm chí rối loạn hành vi. Cuộc sống nhiều gia đình, bản thân bệnh nhân đảo lộn, thay đổi trầm trọng. 

Một trong những cách điều trị được các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần áp dụng là tăng tiếp xúc phơi nhiễm, tăng dần cách tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh cho bệnh nhân, thay vì để họ tiếp tục tránh xa. 

Thuốc là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ. Theo BS Thiện, phải kết hợp cả điều trị tâm lý để làm thay đổi nhận thức và hành vi của người mắc.

Đáng lưu ý, theo BS Thiện, không nên trầm trọng hóa căn bệnh này mà gia đình cần nhận diện sớm khi thấy người thân có biểu hiện bị ám ảnh để tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám, tư vấn kịp thời.

(Tên nhân vật được thay đổi)

Theo V.Thu (Giadinh.net.vn)