Xã hội

Chuyện hộ khẩu trong phương án thi lớp 10 ở Hà Nội gây tranh cãi

Nhiều thay đổi liên quan đến kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội, trong đó việc phải đăng ký nguyện vọng 1, 2 theo hộ khẩu thường trú khiến nhiều phụ huynh căng thẳng, 'đứng ngồi không yên' những ngày qua.

 

Ngay khi nắm bắt được kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội, chị Mai Thiên Hà (Định Công, Hoàng Mai) vô cùng lo lắng. Con gái chị có học lực khá và đặt mục tiêu thi đỗ vào Trường THPT Kim Liên (Đống Đa).

Nếu như những năm trước đây, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép học sinh được đổi khu vực tuyển sinh thì năm nay, con chị chỉ có thể lựa chọn nguyện vọng 1 và 2 là thi vào trường THPT công lập ở quận Hoàng Mai.

“Con rất tha thiết được vào học tại Trường THPT Kim Liên và 2 mẹ con đã vạch ra kế hoạch ôn thi rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, con vẫn đang nỗ lực và cấp tốc để ôn luyện. Vì thế, khi nghe được tin này, mẹ con tôi thấy chán nản”.

Theo chị Hà, quy định mới về việc bắt buộc thí sinh phải đăng ký 2 nguyện vọng đầu trong khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú là bất công.

“Các con ở quận Hoàng Mai sẽ rất thiệt thòi khi không có cơ hội được thi vào các trường top ở những quận khác”, chị Hà nói.

Chuyện hộ khẩu trong phương án thi lớp 10 ở Hà Nội gây tranh cãi
Nhiều thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội khiến các gia đình lo lắng.

Nhà ở quận Nam Từ Liêm nhưng hộ khẩu thường trú lại ở Hoàng Mai, chị Mai Thùy Anh (Cầu Diễn) cùng chung lo lắng.

“Theo như thông tin tôi biết, ở quận Hoàng Mai không có nhiều trường cấp 3 nổi trội. Hơn nữa, chỗ ở hiện nay của gia đình tôi và nơi đăng kí hộ khẩu cách nhau vài chục cây số. Giả sử con phải chuyển về Hoàng Mai học, thì gia đình tôi chỉ có cách chuyển nhà. Những thay đổi không có sự chuẩn bị trước thế này gây cho các con và gia đình nhiều thiệt thòi quá”, chị Thùy Anh chia sẻ.

Trước tình thế này, chị Hà đã nghĩ tới phương án chuyển hộ khẩu gấp cho con.

“Nếu cách này khả quan, tôi sẽ tách hộ khẩu của con về nhà em gái tại Đống Đa để con được thi vào Kim Liên".

3 nguyện vọng không nhiều ý nghĩa?

Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, nếu như ở các kỳ tuyển sinh trước, mỗi học sinh chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển thì năm học 2021-2022, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. 

Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Việc điều chỉnh số lượng nguyện vọng nhằm tạo điều kiện để học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, ông Đại lưu ý, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký nên cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Mặc dù vậy, chị Thùy Anh cho rằng, nguyện vọng 3 chỉ có ý nghĩa với những học sinh có học lực trung bình và yếu, trong khi những em có học lực khá, giỏi lại đang bị mất cơ hội vào những trường top đầu. 

“Một ví dụ đơn giản, nếu con đạt 41 điểm, đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hoàng Mai) với điểm chuẩn năm ngoái là 31,5 và Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai) với điểm chuẩn là 29 điểm, dù Trường THPT Việt Đức là nguyện vọng 3, có điểm chuẩn là 40 – con thừa điểm đỗ thì vẫn không thể trúng tuyển”.

Chuyện hộ khẩu trong phương án thi lớp 10 ở Hà Nội gây tranh cãi - 1
Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội được coi là căng thẳng hơn cả thi đại học. Ảnh: Hai mẹ con sau khi kết thúc môn thi chuyên trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2020

Đồng quan điểm, chị Hà cũng cho rằng, nguyện vọng 3 không có nhiều ý nghĩa đối với trường hợp của con chị.

“Con có hộ khẩu thường trú ở quận Hoàng Mai, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 của con là hai trường thuộc quận này, nguyện vọng 3 là Trường THPT Kim Liên. Nhưng nếu đủ điễm vào được Kim Liên vốn luôn trong top điểm cao ở Hà Nội, thì gần như chắc chắn sẽ đỗ vào hai nguyện vọng của quận Hoàng Mai trước. Như vậy, đối với học sinh khá, giỏi, nguyện vọng 3 chỉ để đăng ký cho có”.

Có 'làn sóng' chuyển khẩu?

Cả gia đình sinh sống tại quận Hà Đông từ hơn 10 năm nay, nhưng đến hiện tại, hộ khẩu thường trú của cả nhà chị Phan Mai Trang (Vạn Phúc, Hà Đông) vẫn ở Phú Xuyên. 

“Gia đình tôi đang sinh sống và tạm trú tại Hà Đông nhưng lại có hộ khẩu thường trú ở ngoại thành, không lẽ con lại phải về Phú Xuyên học?”, chị Trang nói.

Theo chị Trang, để được học trong nội thành, thì có lẽ thi đỗ vào trường chuyên là con đường duy nhất con chị có thể lựa chọn lúc này.

“Con học đều nhưng không quá xuất sắc. Vì thế, việc thi chuyên đối với con là một áp lực rất lớn”.

Chị Trang cũng cho rằng, với quy định mới này, rất có thể nhiều phụ huynh có con muốn thi vào các trường chất lượng nhưng hộ khẩu thường trú khác khu vực tuyển sinh sẽ tìm cách chuyển hộ khẩu gấp cho con. Từ đó sẽ gây nên làn sóng “chạy” hộ khẩu.

Chị Trang cùng nhiều phụ huynh hi vọng Sở GD-ĐT Hà Nội sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể, hoặc điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, cho phép thí sinh có giấy tạm trú vẫn được thay đổi khu vực tuyển sinh.

Học sinh không còn được đổi khu vực tuyển sinh vào lớp 10

Các năm trước, toàn thành phố Hà Nội được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh hoặc bố, mẹ có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào, được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó.

Thời điểm đó, Sở GD-ĐT cũng cho phép học sinh ở vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được phép đổi khu vực tuyển sinh… Học sinh chỉ cần làm đơn xin đổi khu vực tuyển sinh (theo mẫu), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được hiệu trưởng trường THCS nơi theo học lớp 9 xác nhận.

Tuy nhiên, năm nay, kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt nêu rõ: “Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú”.

Theo Thúy Nga - Thanh Hùng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/chuyen-ho-khau-trong-phuong-an-thi-vao-lop-10-cua-ha-noi-gay-tranh-cai-714299.html