Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia Viện nghiên cứu thuộc ĐH Sydney: Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cần làm gì để khống chế dịch bệnh?

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (Đại học Sydney) tại Việt Nam đề xuất một số giải pháp giúp TP. Hà Nội sớm khống chế dịch bệnh.

Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa 30/8, Hà Nội ghi nhận tổng 3.159 ca Covid-19, trong đó 1.539 ca ngoài cộng đồng và 1.620 người đã được cách ly. Thành phố xét nghiệm diện rộng có trọng điểm khoảng 200.000 mẫu từ ngày 27/8 đến 4/9, tùy vào kết quả, sẽ áp dụng kịch bản ứng phó dịch bệnh sau ngày 6/9 (cuối đợt giãn cách xã hội lần thứ 3).

TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (Đại học Sydney) tại Việt Nam nhận định, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội đang tăng lên nhưng tốc độ gia tăng có dấu hiệu đang được kiềm chế chứ chưa đột biến như một số tỉnh thành miền Nam.

Dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố nhưng tập trung nhiều ở các khu đông dân tại quận/huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Đông Anh.

Chuyên gia Viện nghiên cứu thuộc ĐH Sydney: Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cần làm gì để khống chế dịch bệnh?
Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội hiện có hơn 300 ca nhiễm, được đánh giá "nóng" nhất Thủ đô hiện nay (Ảnh: Đinh Huy)

Các ổ dịch phức tạp tập trung khu vực đông dân cư

Theo số liệu thống kê đến ngày 27/8, các ca nhiễm tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 19 - 49; số ca nhiễm là nữ cao hơn nam 17%. Trẻ em chiếm tới 1/3 số ca nhiễm.

Đợt dịch này đã phát hiện ra các ca nhiễm là người lao động bị lây khi làm việc cùng F0 (công nhân xây dựng, đóng gói); người bán hàng tại chợ, nhân viên bán thuốc/bán lẻ, bảo vệ siêu thị, nhân viên shipper hoặc bưu chính, là những người tiếp xúc xã hội nhiều.

Riêng trong tháng 8, gần 80% số ca nhiễm là người tiếp xúc gần những trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng. Cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca phát hiện qua các biện pháp sàng lọc, cho thấy sàng lọc có vai trò quan trọng trong phát hiện sớm các ổ dịch, từ đó truy vết F1. Đông Anh, Thanh Trì, Thanh Xuân và Đống Đa là các quận/huyện phát hiện tới hơn 50% tổng số ca dương tính là F1 của người ho, sốt tại cộng đồng.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, đợt dịch này tại Hà Nội gồm nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, tạo nên các làn sóng lây nhiễm liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày. Tính tới ngày 27/8, có 4 ổ dịch nguy cơ cao là Văn Chương - Văn Miếu (quận Đống Đa), HH4C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

TS.BS Nguyễn Thu Anh phân tích đặc điểm chung của các ổ dịch này, gồm:

- Phát hiện muộn, xuất phát từ ca bệnh đầu tiên là người có triệu chứng, không rõ nguồn lây, một số ca chỉ tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm khi đã xuất hiện triệu chứng 4 - 5 ngày, đồng thời phát hiện nhiều ca cộng đồng cũng có triệu chứng và có tải lượng virus cao. Điều đó cho thấy ổ dịch đã lây lan trước thời điểm phát hiện một thời gian. Một số ổ dịch xuất phát từ lái xe luồng xanh đi từ TP.HCM ra Hà Nội (ngõ 24 Kim Đồng) và ca lây nhiễm từ nơi khác (chung cư HH4C Linh Đàm).

Ví dụ như tại phường Thanh Xuân Trung, tính đến trưa 30/8, chùm ca bệnh đã vượt 300 ca nhiễm, được phát hiện từ hai mẹ con ho, sốt ngoài cộng đồng, đi khám tại cơ sở y tế, được xét nghiệm sàng lọc.

Các bệnh nhân Covid-19 trong chùm này gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây.

"Nhiều người đã có dấu hiệu ho, sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan 1 thời gian. Phân bố tuổi, giới của các ca nhiễm cho thấy đây là một chùm lây lan cộng đồng. Cho đến nay vẫn không rõ nguồn lây", TS.BS Nguyễn Thu Anh nói.

- Đã phát hiện nhiều người nhiễm bệnh là người có tần suất tiếp xúc xã hội cao như người bán lẻ đường phố/ở chợ, làm việc tại hiệu thuốc hoặc cư dân trong khu vực có lịch sử đi làm tới các phường khác trước khi phát hiện bị lây nhiễm.

- Dịch xuất hiện tại các khu nhà trọ san sát hoặc chung cư lớn có diện tích nhà nhỏ và đông hộ gia đình.

Chuyên gia Viện nghiên cứu thuộc ĐH Sydney: Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cần làm gì để khống chế dịch bệnh? - 1
Chuyên gia nhận định, đợt dịch này tại Hà Nội gồm nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, tạo nên các làn sóng lây nhiễm liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày (Ảnh: Đinh Huy)

Hà Nội cần làm gì để sớm kiểm soát dịch bệnh?

Để Hà Nội sớm khống chế dịch bệnh, TS.BS Nguyễn Thu Anh kiến nghị một số giải pháp như sau:

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Với nhóm này, ưu tiên vaccine có thời gian giữa 2 mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch.

- Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố cho tới sau 2 tuần tiêm mũi thứ 2 cho toàn bộ nhóm trên, rồi tùy vào tình hình dịch bệnh để lên kế hoạch mở thận trọng từng bước ở các vùng an toàn. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp 5K và tiêm cuốn chiếu vaccine dựa trên số vaccine có sẵn.

- Thiết lập các tiêu chí vùng xanh và tuyên truyền, khuyến khích các khu dân cư thực hiện. Cần tăng cường năng lực cho Tổ Covid-19 cộng đồng trong việc tư vấn sàng lọc và tuyên truyền nhằm tránh kỳ thị người nghi/bị nhiễm tại cộng đồng. Ngoài tiêu chí F0 thì vùng xanh cần đạt tiêu chí về độ bao phủ và năng lực hỗ trợ cộng đồng.

- Tăng cường lực lượng hỗ trợ chống dịch phối hợp với lực lượng địa phương. Cùng với đó, triển khai các biện pháp để khóa chặt tâm dịch.

- Xây dựng nhóm điều phối y tế (kết nối hỗ trợ), an sinh. Kêu gọi và đào tạo tình nguyện viên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

- Xây dựng tiêu chí cho việc nới lỏng giãn cách theo từng giai đoạn để tạo động lực phấn đấu cho chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp. Theo đó, để nới lỏng giãn cách, cần đạt được ít nhất 2 tiêu chí về: độ bao phủ tiêm chủng và năng lực xét nghiệm, điều trị, y tế công cộng.

- Tuyên truyền qua loa phát thanh của phường về các biện pháp phòng chống dịch cụ thể và nhắc nhở người dân hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà.

Chuyên gia Viện nghiên cứu thuộc ĐH Sydney: Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cần làm gì để khống chế dịch bệnh? - 2
Chuyên gia kiến nghị một số giải pháp giúp TP. Hà Nội sớm kiểm soát dịch bệnh (Ảnh: Đinh Huy)

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần chuẩn bị cho kịch bản xấu trong tương lai:

- Thiết lập trung tâm điều phối các hoạt động cứu trợ y tế (cấp cứu, chuyển viện, chuyển oxy và thuốc, chữa trị tại nhà), an sinh xã hội, vận chuyển hàng hóa trong đại dịch. Nhanh chóng chuyển đổi mô hình chăm sóc, điều trị để bảo vệ hệ thống y tế khỏi bị "sụp đổ" để lên kế hoạch cho các kịch bản xấu.

- Thiết lập chương trình quản lý, chăm sóc, điều trị F0, nghi F0 tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả cho các F0, nghi F0 và người cần chăm sóc y tế trong cộng đồng tới các bệnh viện khi họ có dấu hiệu thiếu oxy hoặc các dấu hiệu cấp cứu khác.

- Lên kế hoạch và thiết lập các trạm cấp cứu tạm thời tại cộng đồng để dự phòng trường hợp bệnh viện quá tải.

- Huy động đội ngũ tình nguyện trẻ, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine tới hỗ trợ cán bộ y tế ở tất cả các tuyến nêu trên. Điều phối hỗ trợ một cách có tổ chức, bài bản và an toàn.

- Xây dựng các bể oxy lỏng tại bệnh viện tuyến quận/huyện trở lên, trạm oxy nhỏ tại cộng đồng và dự trù các thiết bị đi kèm như bình đựng, van, ống nối…

- Chuẩn bị cơ số thuốc điều trị và các thuốc hỗ trợ, vật tư y tế cho kịch bản nhiều ca nhiễm.

- Tăng nhanh năng lực xét nghiệm PCR cũng như xét nghiệm kháng nguyên.

- Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo và ứng phó khẩn cấp bằng việc xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao (nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà chăm sóc, nhân viên dịch vụ/bán lẻ, lái xe và nhân viên giao hàng, khu công nghiệp, khu trọ chật hẹp) và giám sát triệu chứng ho sốt tại cộng đồng.

- Xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để giúp ra quyết định khẩn cấp cũng như mạng lưới chuyên gia đa ngành có thể huy động và phối hợp nhanh chóng.

- Thay đổi các quy trình, thủ tục hành chính, quy trình dự toán/đấu thầu/mua sắm/quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các ngành để quản trị xuyên suốt toàn bộ các khâu, các mảng hoạt động, các ngành một cách tổng thể.

Clip: "Biệt đội" đến từng nhà phát lương thực cho 600 nhà dân tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung

 Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-vien-nghien-cuu-thuoc-dh-sydney-covid-19-dien-bien-phuc-tap-ha-noi-can-lam-gi-de-khong-che-dich-benh-16121300817251138.htm