Xã hội

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ được bảo vệ ở Nội Bài như thế nào?

Tổng thống Mỹ rời Đà Nẵng trên chuyên cơ Air Force One

Hai chiếc Air Force One được mật vụ Mỹ canh giữ 24/24 tại khu vực được chiếu sáng và có camera soi từ nhiều phía.

Tối 26/2, chuyên cơ Air Force One đưa Tổng thống Mỹ đến sân bay Nội Bài tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (từ 27-28/2), sau khoảng 5 phút chuyên cơ này hạ cánh, một chiếc tương tự cũng đáp xuống sân bay. Tương tự, khi chuyên cơ của ông Trump rời khỏi Nội Bài khoảng 5 phút thì máy bay "nghi binh" cũng cất cánh.  

10 phút trước khi Air Force One hạ cánh hay cất cánh, Cảng hàng không Nội Bài dành riêng đường băng để phục vụ chuyên cơ mà không phục vụ các máy bay thương mại khác. Đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam và Mỹ cùng kiểm tra đường băng, đường lăn, sân đỗ, đảm bảo tất cả khu vực này được làm sạch. 

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ được bảo vệ ở Nội Bài như thế nào?
Tổng thống Mỹ lên máy bay rời khỏi Việt Nam sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Anh Duy. 

Trong thời gian "Không lực Một" bay vào không phận Việt Nam, toàn bộ điều hành bay do phía Việt Nam đảm nhận, song phía Mỹ bố trí một mật vụ lên Đài quan sát không lưu để giám sát và được Cục Hàng không Việt Nam cho phép. 

Khi chuyên cơ của ông Trump hạ cánh tại Nội Bài, phía Mỹ không yêu cầu bố trí xe dẫn đường cho máy bay khi lăn vào sân đỗ tại nhà khách VIP A, song họ đưa thêm xe mật vụ bảo vệ phía sau chuyên cơ. Theo lãnh đạo Cục hàng không, có thể phi công Mỹ đã nghiên cứu trước địa hình sân bay, họ thấy không cần thiết có xe dẫn đường cho chuyên cơ. 

Sau khi hạ cánh, hai chuyên cơ được di chuyển vào chỗ đỗ máy bay. Các vị trí này đều được giám sát với hệ thống camera từ các hướng, đủ chiếu sáng, được mật vụ Mỹ bảo vệ trực tiếp; lực lượng an ninh hàng không sân bay cũng phối hợp bảo vệ 24/24 giờ. Người và phương tiện không được đến gần nếu không có nhiệm vụ.

Trong thời gian chuyên cơ hạ, cất cánh, Mỹ đã bố trí hàng chục không quân phục vụ máy bay và hàng trăm mật vụ tại vòng trong sân bay Nội Bài để đảm bảo an ninh. Vòng ngoài là các lực lượng công an, cơ động sân bay. Người dân địa phương trước đó được công an huyện Sóc Sơn tuyên truyền không thả diều, phóng vật thể bay, chiếu đèn tia laser tại khu vực gần sân bay. Phía trước sân bay có công an đứng chốt, yêu cầu các phương tiện không dừng đỗ trên đường Võ Văn Kiệt.

Trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh (từ 20/2 đến 28/2), sân bay Nội Bài và 21 cảng hàng không khác trong cả nước đều tăng cường an ninh cấp độ 1. Hành khách qua các cảng hàng không được tăng cường kiểm tra trực quan cùng với soi chiếu người và hành lý thông thường qua máy soi.

Phía Mỹ mang sang sân bay Nội Bài 10 xe bồn để chứa nhiên liệu. Việt Nam cấp xăng cho các xe bồn này sau đó nhân viên Mỹ tra nạp vào các chuyên cơ. Toàn bộ nhiên liệu này đều được kiểm tra chất lượng, lưu mẫu trước và sau khi tra nạp. 

Ngoài sân bay Nội Bài là điểm đến chính thức cho chiếc Air Force One, phía Mỹ còn bố trí sân bay dự bị là Đà Nẵng để đảm bảo công tác an toàn, an ninh và hậu cần cho chuyên cơ. Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sân bay Đà Nẵng có trang thiết bị, đường băng đủ điều kiện đón tiếp các máy bay lớn nên được Mỹ lựa chọn, mặc dù khoảng cách xa hơn các sân bay như Vinh, Cát Bi.

"Phía Mỹ đánh giá cao các đơn vị hàng không đã phối hợp tốt để tổ chức chuyến đi của Tổng thống Trump. Họ luôn cảm ơn các cán bộ Việt Nam trong lúc hai bên phối hợp làm nhiệm vụ", một cán bộ an ninh hàng không cho hay.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng chia sẻ, "sau khi chuyên cơ cất cánh, Đại sứ Mỹ cảm ơn chúng tôi đã phối hợp tốt, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của họ đến Việt Nam, không có sai sót gì".

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)