Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Chủ tịch Hà Nội: Tuần này là thời điểm quyết định dịch Covid-19 có bùng phát tại thành phố hay không

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tuần này chính là thời điểm quyết định dịch bệnh có bùng phát hay không. Vì thế, ông yêu cầu các Ban chỉ đạo phải trực liên tục, nắm bắt thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 15/4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là địa phương nguy cơ cao dịch bệnh, có 2 ổ dịch lớn, diễn biến phức tạp tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16 thì mới có thể dập được dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Chủ tịch Hà Nội: Tuần này là thời điểm quyết định dịch Covid-19 có bùng phát tại thành phố hay không
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Ông Chung cũng nêu rõ, bằng các biện pháp quyết liệt, thực hiện nghiêm các ý kiến của TƯ, trên địa bàn TP đã “làm phẳng đường lên cao” của các ca nhiễm. Bên cạnh đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống, người dân đã khiến TP luôn làm chủ được diễn biến tình hình dịch bệnh.

Để thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng, ông Chung yêu cầu các quận huyện tuyên truyền công khai, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ, nhận thức rõ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

“Chỉ khi nào người dân đồng lòng thực hiện, chúng ta mới có khả năng dập dịch”, ông nói và lưu ý kể cả khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân vẫn cần giữ thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn, có yếu tố ho, đau họng, sốt phải khẩn trương thông báo để lấy mẫu.

Lãnh đạo UBND TP chỉ rõ, cần xác định khâu rà soát phát hiện là quan trọng số 1. Trong đó, yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai, Hạ Lôi, tiếp xúc với các bệnh nhân, đau họng, ho, đến các cửa hàng thuốc phải được phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, không được để trường hợp F1 nào tại các bệnh viện mà phải ở các khu cách ly tập trung.

Người đứng đầu UBND TP giao cho Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, Công an TP tăng cường công tác kiểm tra các cửa hàng bán trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước khử khuẩn, kể cả máy thở... để kiểm soát không tăng giá.

Sở Y tế và các quận huyện chủ động rà soát việc mua sắm trang thiết bị y tế, không để thất thoát, tiêu cực xảy ra.

"Chúng ta đang làm tốt công tác phòng chống dịch nhưng nếu để xảy ra tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng và còn có tội.

Bây giờ người dân, doanh nghiệp, công chức viên chức còn đang góp một ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này mà lại có biểu hiện, việc làm móc ngoặt, nâng giá lên, tham ô tham nhũng thì không những mang tiếng với địa bàn TP, mang tiếng với cả nước mà mang tiếng với cộng đồng quốc tế.

Tất cả việc này phải lên án và công tác kiểm tra rà soát phải chặt chẽ", ông Chung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Chung chỉ đạo việc mua sắm trang thiết bị y tế phải mua đúng, mua đủ, chính xác theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lãng phí.

Người đứng đầu UBND TP giao các đơn vị chức năng, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, tăng cường xử phạt tất cả trường hợp không đeo khẩu trang, duy trì kiểm soát ở cửa ngõ.

"Tuần này là tuần quyết định dịch bệnh COVID-19 có bùng phát trên địa bàn hay không nên các đơn vị phải trực 24/24 giờ/7 ngày để tiếp nhận tin báo từ người dân, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp xử lý khi phát hiện bệnh nhân mới. Đồng thời giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 của người dân trên địa bàn", Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến 16h ngày 15/4, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 114 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 ca mắc mới. 66,6% các trường hợp lây nhiễm được phát hiện đều không có triệu chứng, chỉ phát hiện qua công tác xét nghiệm.

Hai ca mắc mới là bệnh nhân Lê Minh Hoa, nữ, 36 tuổi có địa chỉ tại thôn Đông Cữu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, có tiền sử đến thăm mẹ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 10/3. Bệnh nhân thứ 2 là Đặng Quang Hà, nam, 46 tuổi ở xóm Hội, thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, là bố của bệnh nhân 257 và là chồng của bệnh nhân 258, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 tại nhà ngày 20/3/2020.

Tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi được đánh giá rất phức tạp với 13 trường hợp mắc, nhiều trường hợp có liên quan, trong đó có các trường hợp là nhân viên y t ế, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao ra cộng đồng, dự báo thời gian tới sẽ có thêm những trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

3 nhóm tỉnh, thành phân theo nguy cơ dịch bệnh

Tại cuộc họp chiều 15-4, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương làm 3 nhóm.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng… kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22-4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22-4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại.

HP (Nguoiduatin.vn)