Xã hội

Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm

Khi xuống hiện trường vụ cháy ở Rạng Đông, trong khi mọi người đeo khẩu trang mà cán bộ lại đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm. Làm chuyên môn nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh.

Quan điểm này được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ra khi chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn, đại diện chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong vụ cháy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân).

Đây là cuộc họp đầu tiên của TP sau hơn một tuần xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông.

Hoan nghênh, ghi nhận khi các cán bộ chuyên môn của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xuống hiện trường vụ cháy, tuy nhiên, theo người đứng đầu TP Hà Nội, chúng ta cần đặt ra quy trình để làm sao hài hòa trong phối hợp, cho người dân và các cơ quan thấy được sự thống nhất trong bộ máy quản lý Nhà nước, tránh tình trạng "quyền anh, quyền tôi", mỗi người phát ngôn một kiểu.

Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm chỉ đạo về xử lý vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Ảnh: Q.H.

“Tôi thì không bình luận gì, nhưng mọi người cũng bình luận việc các cơ quan chuyên môn xuống thì đeo mặt nạ phòng độc, còn người dân và các anh em khác thì đeo khẩu trang. Cá nhân tôi đánh giá đây là một hành động phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đi cùng, đồng nghiệp của mình vẫn đeo khẩu trang thì mình có cần thiết phải như vậy không?”, ông Chung nói.

Theo Chủ tịch Hà Nội, cán bộ Nhà nước làm chuyên môn của mình nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh, phải đúng mức để tránh gây ra những hiểu lầm, phản cảm.

“Tại sao chúng ta không phát (mặt nạ - PV) cho tất cả người khác, tự nhiên nó phản cảm, có vẻ không ổn lắm. Mà thông qua việc này cũng rút ra bài học để chấn chỉnh. Tôi nghĩ tự mỗi người trong bộ máy Nhà nước cần suy xét lại hành vi của mình”, ông Chung bày tỏ quan điểm.

Trước đó, sáng 31/8, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có mặt tại hiện trường vụ cháy của Công ty Rạng Đông để cùng tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng. Trong khi những cán bộ xung quanh đeo khẩu trang, chỉ có ông Thức đeo mặt nạ phòng độc.

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đặt vấn đề: “Cơ quan điều tra, Công an TP đang khám nghiệm hiện trường theo quy trình tố tụng thì các cơ quan chuyên môn vào đây với tư cách gì?”.

Ông đề nghị Giám đốc Công an TP chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ vấn đề này để sau này rút kinh nghiệm chung cho toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước.

Cũng nhân vụ việc này, ông Chung lưu ý TP cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất, những nơi lưu trữ, kho chưa hóa chất có thể gây ảnh hưởng.

Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm - 1
Khi xuống hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông, các cán bộ chuyên môn đeo khẩu trang còn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc. Ảnh: Dân Trí.

Tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho biết chỉ duy nhất đơn vị này có thiết bị hiện đại để đo được hàm lượng thủy ngân, từ đó đưa ra khuyến cáo để phòng ngừa rủi ro.

Theo ông Thức, kết quả quan trắc tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông cho thấy thủy ngân cũng đã phát tán ra môi trường, nằm trong ngưỡng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

“Đồng chí Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói duy chỉ có bộ mới có máy quan trắc, nhưng theo tôi hiểu TP cũng lắp đặt thiết bị của Pháp (đạt tiêu chuẩn châu Âu) có thể xác định chỉ số rất chính xác”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm - 2
Sau 8 ngày vụ cháy xảy ra, hiện trường ở công ty Rạng Đông mới được phủ bạt. Ảnh: Hồng Quang.

Đồng thời, ông Chung đề nghị cơ quan điều tra trưng cầu cơ quan độc lập mà có trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất để đưa ra thông số chính xác nhất.

Ông Chung cũng yêu cầu Công ty Rạng Đông phải thu gom, xử lý ngay tất cả tro tàn, hậu quả của vụ cháy còn lại để tiêu huỷ, sau đó thực hiện các biện pháp tiêu độc.

Ngoài ra, công ty phải chịu trách nhiệm mời Bộ Quốc phòng và các đơn vị chuyên môn đến xử lý ô nhiễm đất, nước trong khu vực nhà máy và xung quanh. Trách nhiệm này của công ty và có sự hỗ trợ của TP.

Đặc biệt, công ty nên có phương án di dời ra nơi khỏi khu dân cư. “Chúng ta không nên để những kho chứa hóa chất gần nơi sinh sống của người dân. Nhân dịp này đề nghị công ty di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ sở sản xuất vật liệu, cơ sở công nghiệp sản xuất có chất gây ô nhiễm phải đưa ra khỏi nội thành, khu dân cư”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Anh Thư (Tri Thức Trực Tuyến)