Xã hội

Chính thức công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020. Năm nay, các trường ĐH không còn vai trò trong khâu chấm thi và coi thi như kỳ thi THPT quốc gia mọi năm.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT năm nay đặt mục tiêu chính là xét tốt nghiệp.

Quy chế nêu rõ mục đích, yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy két quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.

Trong quy chế thi đã quy định cụ thể về công tác chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.

Về quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Camera giám sát 24/24 khu vực chấm thi

Quy cũng cũng định đối với công tác chấm thi tại mỗi hội đồng thi thực hiện ở không quá 2 khu vực; trong đó mỗi ban chấm thi thực hiện nhiệm vụ tại một khu vực duy nhất. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị.

Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa, thanh tra và công an.

Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi, chấm thi do lãnh đạo các ban chấm thi giữ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của công an, thanh tra và ghi nhật ký đầy đủ.

Thí sinh tự do thi chung với thí sinh lớp 12

Thí sinh (TS) đã tốt nghiệp THPT, TS tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi và TS giáo dục thường xuyên được thi chung với TS là học sinh lớp 12 giáo dục THPT tại một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Điều kiện là bảo đảm có ít nhất 60% TS lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số TS của điểm thi (trong trường hợp đặc biệt cần phải có ý kiến của Bộ). Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi tối đa 24 TS và phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 TS ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.

Khi nào hủy kết quả thi?

Một trong những điểm mới của năm nay đó là có quy định hủy kết quả thi. Theo đó, những thí sinh có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi các lỗi: bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.

Đồng thời các lỗi khác như viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sai khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Như vậy, với quy định này, những trường hợp được nâng điểm như tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang sẽ bị hủy kết quả thi và như thế điểm thực của thí sinh thế nào thì thí sinh cũng không còn cơ hội để học tiếp năm đó.

Xem chi tiết quy chế TẠI ĐÂY.

HP (Nguoiduatin.vn)