Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Chính thức chốt phương án đón người lao động từ các tỉnh thành trở lại TP.HCM làm việc

Để trở lại TP HCM làm việc, người lao động phải được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc có xác nhận khỏi Covid-19 và xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực.

Nội dung được đề cập trong văn bản phối hợp vận chuyển người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn bao gồm công nhân, chuyên gia) từ các tỉnh, thành đến làm việc tại TP HCM trong tình hình mới do Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình vừa ký hôm 30/9.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ các tỉnh, thành phố di chuyển về TP.HCM làm việc đảm bảo an toàn và thuận lợi, việc vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các địa phương nơi đi và nơi đến.

Ngoài ra, hoạt động vận tải phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Đối tượng vận chuyển là người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh ở TP.HCM, bao gồm công nhân và chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố cần di chuyển về TP.HCM.

Tuy nhiên người lao động phải đáp ứng những điều kiện sau:

Đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế (hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế).

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Về phương thức vận chuyển người lao động bằng đường bộ có 3 phương thức.

Phương thức 1: Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức

Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển công nhân phải gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối (UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các Ban Quản lý dự án, Tổng công ty thuộc UBND TP.HCM hoặc các Bộ, ngành quản lý) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT TP.HCM xem xét tổ chức triển khai.

Phương tiện vận chuyển là ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh và được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR. Bên cạnh đó, thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch vận chuyển.

Các phương tiện vận chuyển này tập kết tại Bến xe miền Đông hoặc Bến xe miền Tây khi vào TP.HCM. Sau đó, người lao động di chuyển về nơi cư trú/lưu trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT cấp phép hoặc phương tiện trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký trong phương án. Chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 2: Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao phối hợp với đơn vị vận tải hành khách xây dựng kế hoạch vận chuyển. Kế hoạch này gửi Sở GTVT xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố (Sở Giao thông Vận tải) kế hoạch vận chuyển.

Các phương tiện vận chuyển chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch. Chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây (TP.HCM). Tần suất hoạt động tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.

Các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP.HCM thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan và cấp giấy nhận diện QR cho phương tiện trước khi thực hiện kế hoạch vận chuyển.

Chi phí vận chuyển được tính theo giá vé do doanh nghiệp kinh doanh vận tải kê khai, niêm yết theo quy định.

Về thời gian triển khai vận chuyển người lao động đến TP.HCM làm việc bắt đầu từ ngày 1/10 đến ngày 31/10/2021 sẽ triển khai hoạt động vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2.

Việc triển khai hoạt động vận chuyển thêm phương thức 3 khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ Giao thông Vận tải (dự kiến vào tháng 11/2021).

Về phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không, được thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ Giao thông Vận tải.

Doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển, người phục vụ phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Người ngồi trên phương tiện phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên phương tiện và khai báo y tế theo quy định.

Người tổ chức vận chuyển bằng xe ô tô phải quy định cụ thể danh sách xe, vị trí người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh Covid-19.

Kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển và triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện xe ô tô chỉ được phép dừng tại các trạm dừng nghỉ đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Đối với người lao động, khi mua vé và lên phương tiện phải xuất trình bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) và giấy xác nhận đã được tiêm 1 mũi vaccine đã được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời tuân thủ vị trí ngồi đảm bảo giãn cách theo hướng dẫn của người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện. Đeo khẩu trang trong suốt thời gian di chuyển; thực hiện khai báo y tế; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin (họ tên, địa chỉ cư trú, số điện thoại liên hệ…) vào danh sách hành khách trên phương tiện và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế khác theo quy định.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)