Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Chỉ thị 10 tại TP.HCM: Người dân cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'?

Về cơ bản, Chỉ thị 10 của TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung trong Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường các biện pháp trọng tâm mang tính đặc thù địa phương nhằm nhanh chóng khống chế dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ngày 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Chỉ thị 10 được xem là "chỉ thị đặc thù", lần đầu tiên được một địa phương áp dụng trong phòng chống dịch COVID-19. Về bản chất, có thể coi Chỉ thị 10 là "Chỉ thị 15+" áp dụng tại TP.HCM, tức là vẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, đồng thời tăng cường thêm các biện pháp trọng tâm mang tính đặc thù khác để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thành phố. 

Chỉ thị 10 thể hiện nỗ lực của TP.HCM trong việc cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế, được kỳ vọng giúp thành phố nhanh chóng khống chế dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chỉ thị 10 tại TP.HCM: Người dân cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'?
Chỉ thị 10 được áp dụng nhằm nhanh chóng khống chế dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chỉ thị 10 - những điều cần lưu ý

Để thực hiện Chỉ thị này, ngày 20/6/2021, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 3786/SYT-NVY hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng. 

Đồng thời, tăng cường các biện pháp trọng tâm sau:

- Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.

- Không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức.

- Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn. 

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân Thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng;

- Tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

- Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Chỉ thị 10 tại TP.HCM: Người dân cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'? - 1

Về đối tượng được ra ngoài làm việc, Chỉ thị nêu rõ:

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

- Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số. Đối với số lượng cán bộ công chức người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.

Chỉ thị 10 tại TP.HCM: Người dân cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'? - 2

Về vận tải hành khách: 

- Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Thế nào là dịch vụ thiết yếu?

Ngoài ra, để thực hiện Chỉ thị này, Sở Y tế hướng dẫn các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động để người dân bớt lúng túng trong quá trình chấp hành quy định được xem là đặc thù lần đầu tiên áp dụng trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi rất nhiều người dân vẫn còn băn khoăn cần phải làm như thế nào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Theo đó, những dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động bao gồm:

- Cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc; cơ sở khám, chữa bệnh trừ phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ…; ngân hàng; kho bạc, bưu chính, tang lễ, dịch vụ thu gom, xử lý chất thải…

- Cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị, các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch; điều tiết, phân luồng một chiều số người đến mua hàng tại cùng một thời điểm, giãn cách tối thiểu 2m giữa người mua;

Chỉ thị 10 tại TP.HCM: Người dân cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'? - 3

- Các lĩnh vực chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi mà không mở cửa hàng: Kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m trong khi chờ lấy hàng;

- Cửa hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, điện máy nội thất, kinh doanh xe, phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ… không được phép mở cửa hoạt động…

Theo Hạ Vũ (Nhịp Sống Việt)




http://nhipsongviet.toquoc.vn/chi-thi-10-tai-tphcm-nguoi-dan-can-luu-y-gi-truoc-chi-thi-dac-thu-222021216142213211.htm