Xã hội

Chỉ đóng BHXH 15 năm, người lao động được hưởng lương hưu?

Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm trong đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ.

Theo Bộ LĐTB&XH, hết năm 2021 cả nước có hơn 28,8 triệu người chưa tham gia BHXH (chiếm hơn 64% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, việc mở rộng người tham gia BHXH gặp không ít khó khăn. Một phần do quy định hiện hành về thời gian đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu quá dài (20 năm), mặt khác BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế nhóm tham gia.

Hiện, cả nước chỉ có 4 triệu trên tổng số 13 triệu lao động có lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) với chính sách đóng hưởng chế độ BHXH hiện hành, đến năm 2030 Việt Nam có 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Nếu không có chính sách phù hợp, đây sẽ là gánh nặng lớn cho cuộc sống của người lao động và gây áp lực không nhỏ lên hệ thống an sinh cũng như ngân sách nhà nước.

Chỉ đóng BHXH 15 năm, người lao động được hưởng lương hưu?
Bộ LĐTB&XH đề xuất người lao động tham gia đóng BHXH 15 năm sẽ được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động

Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng, giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm mới được hưởng lương hưu như như hiện nay xuống còn 15 năm và hướng tới tiếp tục giảm xuống 10 năm.

Thay đổi này có thể khuyến khích người lao động đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Nếu Luật BHXH sửa đổi được thông qua theo hướng này, ước tính mỗi năm sẽ tăng từ 10-40 ngàn lao động có lương hưu. Rút ngắn thời gian đóng BHXH là phù hợp Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, trước năm 2014 khi xây dựng Luật BHXH, người lao động chỉ cần đóng 15 năm và đủ tuổi đời là có thể được hưởng lương hưu. Sau 2014, Luật BHXH quy định thời gian đóng tối thiểu được điều chỉnh lên 20 năm.

Theo ông Chính, quy định này có mặt tích cực nếu người lao động đóng nhiều thì được hưởng nhiều, nhưng ngược lại, có mặt hạn chế khiến người lao động thấy quá trình đóng BHXH quá dài nên chọn cách không tham gia thêm và chấp nhận rút một lần.

“Luật BHXH sửa đổi đang xây dựng theo hướng giảm thời gian đóng BHXH là phù hợp. Tuy nhiên, khi giảm thời gian đóng tối thiểu sẽ giảm tổng tiền đóng nên mức lương hưu được nhận cũng thấp. Do vậy, cơ quan làm luật cần cần tính toán kỹ các phương án để tránh xảy ra tình trạng lương hưu không đủ sống”, ông Chính nói.

Về đề xuất hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 2 phương án. Một là, tiếp tục cho phép người lao động rút BHXH một lần như hiện hành, hoặc chỉ cho phép rút BHXH một lần với phần tiền người lao động đóng góp, không được rút phần doanh nghiệp và nhà nước cùng đóng.

Theo ông Chính, nếu quy định chỉ cho người rút BHXH một lần phần tiền đóng góp của người lao động, không cho rút phần doanh nghiệp và nhà nước đóng là không phù hợp. Bởi tiền doanh nghiệp và nhà nước đóng thực chất là đóng cho người lao động, phục vụ quyền lợi người lao động nên đó cũng là tiền của người lao động.

“Nhiều người rút BHXH một lần sẽ tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội, nhưng quy định không cho rút cũng không được. Vấn đề đặt ra làm sao khuyến khích người lao động vẫn tiếp tục tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Cách tốt nhất là nhà nước nên xây dựng quỹ cho người lao động vay với lãi suất thấp trong điều kiện khó khăn, còn tiền đóng BHXH thì nên tuyên truyền để người dân tiếp tục đóng”, ông Chính nói.

Cũng theo chuyên gia Lao động, do luật BHXH đã quy định cho rút BHXH một lần nên bây giờ quy định lại không cho rút sẽ rất khó. Tuy nhiên, có thể tuyên truyền những người tham gia đóng BHXH trong độ tuổi lao động, nếu rút BHXH một lần chỉ nên rút phần mình đóng, phần doanh nghiệp, nhà nước đóng cho người lao động  nên bảo lưu để có thể tiếp tục tham gia đóng, hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016-2020, cả nước có trên 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân trên 740 nghìn người mỗi năm rút BHXH một lần). Số người và số tiền trả BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, tổng tiền trả BHXH một lần năm 2020 hơn 28 nghìn tỷ đồng. Số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là nữ, làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng 20% số người này đã có thời gian tham gia BHXH từ 6 năm trở lên. Tình trạng này được lý giải do người lao động khi mất việc gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên rút BHXH một lần để lo trước mắt thay vì tính tới tiếp tục đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chi-dong-bhxh-15-nam-nguoi-lao-dong-duoc-huong-luong-huu-825466.html