Xã hội

Chém lợn, đập trâu, cướp lộc ở lễ hội sẽ bị xem xét lại

Đó là lời khẳng định của ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VH,TT&DL) khi tổng kết mùa lễ hội lùm xùm, nhiều tranh cãi của năm nay.

 

Trả lời báo chí, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, mùa lễ hội năm nay để xảy ra quá nhiều chuyện không vui, khiến người dân bức xúc như vụ việc lộn xộn cướp kiệu hoa tre ở hội Gióng, cướp lộc Đền Trần, cướp phết ở Hiền Quan Phú Thọ… Bên cạnh đó, một số lễ hội hiến sinh vật nuôi, gây cảnh đổ máu, chém giết dã man cũng gây ra nhiều tranh cãi, ví dụ như lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội Cầu trâu ở Phú Thọ.
 

Lễ hội Chém lớn có thể sẽ được xem xét lại hình thức hiến sinh

 
Ông Phúc thừa nhận, tình trạng phục dựng lễ hội tràn làn là một trong những lý do khiến cho mùa lễ hội năm nay trở nên lộn xộn, và bị mất điểm trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Cầu trâu ở Phú Thọ với cảnh đập trâu cũng bị cho là dã man


 
Trước tình trạng phản cảm, đi xuống của nhiều lễ hội năm nay, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Bộ VH,TT&DL đang thúc đẩy việc quy hoạch lại lễ hội. Trước mắt, Bộ sẽ có ý kiến tới các nhà khoa học và một số địa phương có những lễ hội lớn về việc nên thay đổi một số hình thức của lễ hội. Ví dụ như, ở những lễ hội hiến sinh như Chém lợn, Cầu trâu, chỉ nên hình tượng hóa có tính chất biểu diễn, không nên đập trâu thật, chém lợn thật.
 
Đối với một số lễ hội có tục cướp lộc, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Bộ đang tính đến việc đề nghị các địa phương nên hạn chế số lượng người tham gia lễ hội. Ví dụ như lễ hội bà chúa Sứ vừa qua chỉ phát giấy mời dự cho số người hạn định là 600 người. Trước giờ vào lễ tắm bà chỉ có 600 người, bố trí ghế ngồi nên buổi lễ diễn ra trật tự. Đây có thể được coi là một bài học cho cách tổ chức lễ hội.

Bộ VHTT&DL cho biết sẽ đề xuất việc hạn chế lượng người dân tham gia một số tục cướp lộc ở lễ hội (Cảnh lộn xộn ở hội Gióng)


Vì lẽ đó, Lễ hội đền Gióng với tục cướp kiệu hoa tre cần khống chế lượng người để tránh cướp bằng mọi giá, cướp bằng được. Còn đền Trần, Bộ đang nghiên cứu nên mở cửa cho dân vào nữa không, vì dân vào chỉ cướp lộc chứ không giữ được vẻ tôn nghiêm như bản chất của việc phát ấn như trước đây.
 
Được biết, hiện nay, Bộ đang thu thập các báo cáo của các địa phương, sau đó sẽ có tổng kết cụ thể để tiến tới việc quy hoạch lại lễ hội và sẽ đề xuất việc loại bỏ một số lễ hội phản cảm.

>> Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Máu tươi đẫm sân đình
>> Khi người trẩy hội cũng phát “ngốt” vì lễ hội

Theo Hoàng Lân (Hà Nội Mới)