Xã hội

Chất vấn Bộ trưởng về việc chậm xử lý livestream của bà Phương Hằng

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đặt câu hỏi tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc chậm xử lý livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, có phải do thiếu hành lang pháp lý.

Đặt câu hỏi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, cơ quan chức năng lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Phương Hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Chất vấn Bộ trưởng về việc chậm xử lý livestream của bà Phương Hằng
 Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Phương Hằng. Ông cho hay, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và công an đã xử lý hình sự.

Về giải pháp, Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livetream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng, có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

Tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, lặp lại một số vụ việc mà cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, đại biểu nhận thấy, các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không như Bộ trưởng nói rằng là thiếu hành lang pháp lý.

Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là liệu vụ việc xảy ra như vậy có phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không và đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không có chuyện này đồng thời cho biết đang sửa đổi bổ sung Nghị định 72 để có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vụ việc tương tự.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu ý kiến về việc hàng giả hàng nhái chào bán công khai trên Facebook và các mạng xã hội.

Chất vấn Bộ trưởng về việc chậm xử lý livestream của bà Phương Hằng - 1
 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn. Ảnh: QH.

“Đồng hồ hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu đến tỷ đồng, nhưng được chào bán với giá vài chục triệu đồng. Đây là vấn nạn cần siết chặt và xử lý, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp”, ông An chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối hiện nay. Có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông quản lý, gần như doanh nghiệp quảng cáo gì cũng được.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa các văn bản, nghị định, thanh tra, kiểm tra, thì các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn. Việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.

Về giải pháp, ông Hùng cho biết sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thì cần xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa. Bộ trưởng đề nghị bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới. Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói về giá bất động sản ở Việt Nam bất hợp lý, công chức bình thường 130 năm mới mua được nhà.

Theo Mai Loan (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chat-van-bo-truong-ve-viec-cham-xu-ly-livestream-cua-ba-phuong-hang-1769280.html