Xã hội

Chất tạo nạc Salbutamol gây ung thư: Phát hiện chất cấm, người dân có thể khởi kiện

Người tiêu dùng phát hiện được những đơn vị, cá nhân sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, hoàn toàn có quyền tố cáo, khởi kiện nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

Người tiêu dùng phát hiện được những đơn vị, cá nhân sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, hoàn toàn có quyền tố cáo, khởi kiện nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

Sau bê bối sử dụng chất tạo nạc trộn lẫn vào thức ăn chăn nuôi gây ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng; ngày 23/3, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Cục vừa đề xuất bổ sung chất Salbutamol vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” trong luật Dược sửa đổi cùng với các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và phóng xạ.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Ytế, chất Salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay.

Chất này chủ yếu được dùng trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị hen phế quản… Tuy nhiên, khi được trộn làm thức ăn cho động vật nhằm tăng trọng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người như làm rối loạn chức năng gan, thận, thậm chí là dẫn tới ung thư.

Chính vì những tác hại khôn lường và mức độ phổ biến của chất tạo nạc trong chăn nuôi nên các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ đường đi và quá trình sử dụng thuốc.
 

PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo ông Đáng, cá nhân ông đưa ra 3 biện pháp chính nhằm ngăn chặn được vấn đề này.

Cụ thể, thứ nhất, cần đào tạo những người chăn nuôi bằng các phương pháp chăn nuôi sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, không lệ thuộc vào những hóa chất, đặt giá trị dinh dưỡng của thực phẩm lên hàng đầu.

Thứ hai, cần có những biện pháp xử phạt thích đáng cho những người, những đơn vị sản xuất sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi để đầu độc người tiêu dùng.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần bắt tay vào cuộc một cách triệt để, thanh, kiểm tra kịp thời, không chỉ xử phạt hành chính mà còn cần phải có những biện pháp mạnh, răn đe để làm gương.

Tháng 11/2015, Cục quản lý dược, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra đột xuất các đơn vị nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu Salbutamol, phát hiện ra đơn vị sai phạm đã xử phạt nghiêm theo thẩm quyền. Đồng thời chuyển hồ sơ sang Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công An đề nghị điều tra, xử lý.

Trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa hóa chất cấm, đầu độc sức khỏe con người, tất cả các cơ quan ban ngành và những người tiêu dùng đã và đang dần hiểu được tầm quan trọng của mình, cùng nhau chung sức đồng hành trong cuộc chiến này.

Người dân có thể khởi kiện để bảo vệ sức khỏe chính mình

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: “Tại các hội thảo chuyên đề do Hội chúng tôi tổ chức, ý kiến các chuyên gia đã chỉ ra rằng, các hóa chất cấm nhưng vẫn sử dụng trong chăn nuôi sẽ tồn dư trong sản phẩm thịt, khi ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh hưởng đến đâu, tùy lượng hóa chất độc hại tích tụ trong cơ thể theo thời gian sẽ gây ra ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Điều đáng nói là có những hóa chất có khả năng gây ra các bệnh hiểm nghèo cho con người như ung thư, đã bị thế giới cũng như tại Việt Nam cấm sử dụng trong chăn nuôi đã từ lâu nhưng nay vẫn tồn tại.

Tôi cũng nói thêm, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà ngay chính người sản xuất làm ăn chính đáng cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta nhớ lại phong trào tẩy chay thịt lợn siêu nạc của người tiêu dùng trước thông tin tồn dư chất cấm, khiến cho ngành chăn nuôi thiệt hại rất lớn.

Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, tôi nghĩ các ban ngành cũng đã và đang có nhiều biện pháp. Tuy nhiên, tôi cho rằng cái cần nhất hiện nay là thực thi pháp luật cho nghiêm. Cần có sự phối hợp tốt, vì tuy đã có sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan ban ngành, nhưng cũng có những vùng giao thoa. Tránh đổ lỗi cho nhau, cuối cùng thiệt hại, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu”.

Tuy vấn đề sử dụng chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi đã được các cơ quan, ban ngành quan tâm, thế nhưng người tiêu dùng cũng cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình. Liệu khi phát hiện những đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, người tiêu dùng có quyền khởi kiện hay không ?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty luật quốc tế Hồng Thái cho hay, hành vi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi có thể coi là hành vi làm hàng giả, thế nhưng chế tài xử phạt của luật pháp lại quá nhẹ.

Nếu chỉ xử phạt hành chính, sẽ tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức tiếp tục những hành vi gian lận này một cách trắng trợn.

Với mức độ tác động cực kì lớn và nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng từ hóa chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi, cần có những chế tài và biện pháp xử lý phù hợp như khởi tố hình sự những người làm ăn gian dối, đầu độc cộng đồng, chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, công ty luật quốc tế Hồng Thái.


Đây là một cuộc chiến thực sự, cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành và toàn xã hội, cần giao trách nhiệm cụ thể để cùng chung tay vào cuộc. Nếu người tiêu dùng phát hiện được những đơn vị, cá nhân sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, hoàn toàn có quyền tố cáo, khởi kiện nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hóa chất cấm trong thức ăn chăn nuôi mới thực sự bắt đầu. Những người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, chung tay cùng các cơ quan, ban ngành diệt trừ tận gốc những hành vi làm ăn "vô nhân đạo". Đồng thời cần phải biết bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh từ thức ăn, nước uống, những bữa cơm hàng ngày.

>> Lợn chết sau 15 ngày ăn chất tạo nạc gây ung thư, người ăn thịt lợn... chết mòn?
>> Kinh hãi hàng trăm con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi vào lò mổ

Theo Hồng Nhung (Nguoiduatin.vn)