Xã hội

Cầu vượt xây sai gián tiếp gây tai nạn thảm khốc ở Hải Dương?

Cầu đi bộ dẫn thẳng xuống lòng đường ở nơi xảy ra tai nạn 8 người chết

Chuyên gia giao thông khẳng định cầu vượt đi bộ dẫn thẳng xuống mặt đường quốc lộ ở Hải Dương là sai nguyên tắc thiết kế và gây nguy hiểm cho người dân.

Chiều 21/1, nhóm cán bộ xã Kim Lương (huyện Kim Thành, Hải Dương) gồm 50 người bị một xe tải lấn làn đâm trực diện khi đang đi bộ sát lề đường để lên cầu vượt cắt qua quốc lộ 5. Tai nạn làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Cây cầu vượt gần vị trí xảy ra tai nạn là cầu vượt số 9 thuộc km 76. Cầu phục vụ cho người dân 4 thôn của xã Kim Lương, người dân đi chợ và trẻ em đi học thường xuyên qua cầu mỗi ngày.

Đáng chú ý, bậc thang dành cho người đi bộ lại dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ của quốc lộ 5.

Cầu vượt xây sai gián tiếp gây tai nạn thảm khốc ở Hải Dương?
Lối xuống của cầu vượt dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ. Ảnh: Ngọc Tân.

Đi bộ cạnh dòng xe chạy 80 km/h

Theo ghi nhận của Zing.vn, trên quốc lộ 5 cứ khoảng 2 km sẽ có một cầu vượt bắc ngang quốc lộ để người dân sang đường. Tuyến đường này có xe trọng tải lớn chạy liên tục với tốc độ cao. Trong vòng 5 phút phóng viên đếm được hàng chục lượt xe container và xe bồn.

Nếu cầu không thiết kế oái oăm như vậy thì đã không có vụ tai nạn thảm khốc hôm qua

Người dân thôn Lương Xá Nam

Người dân nhiều lần bức xúc vì kiểu thiết kế cầu vượt khiến họ phải đi bộ một quãng dưới lòng đường, trong khi bên cạnh là hàng đoàn xe tải di chuyển với vận tốc cao.

“Nếu cầu không thiết kế oái oăm như vậy thì đã không có vụ tai nạn thảm khốc hôm qua”, một người dân thôn Lương Xá Nam cho biết ở đây hiếm có vụ tai nạn nào làm 8 người chết nhưng những vụ nhỏ lẻ đã xảy ra rất nhiều.

Đánh giá về vấn đề này, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học GTVT), khẳng định cầu vượt cho người đi bộ lại dẫn thẳng xuống đường quốc lộ là sai về nguyên tắc thiết kế. 

Cầu vượt xây sai gián tiếp gây tai nạn thảm khốc ở Hải Dương? - 1
Lối xuống của cầu vượt dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo ông Tuấn, vị trí di chuyển của người đi bộ theo quy định chỉ có vỉa hè, các công trình dành cho người đi bộ (như cầu vượt, hầm) và những tuyến đường cho phép đi bộ. Không luật nào cho phép người đi bộ đi trên lòng đường quốc lộ.

Đối với đơn vị thiết kế và thẩm định công trình giao thông, phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng trước khi cho phép vận hành. "Trong trường hợp này, tôi thấy đơn vị thiết kế, thẩm định cầu phải chịu trách nhiệm", ông Tuấn khẳng định.

Lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận thiết kế 'chưa phù hợp'

Sau khi ghi nhận bức xúc của người dân, phóng viên đã đặt vấn đề này với ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương. Ông Long thừa nhận thiết kế lối lên cầu vượt ở vị trí này là chưa phù hợp với thực tiễn giao thông, Sở cũng đã nhận thấy bất cập ở vị trí này.

Do chưa có vốn để xây dựng đường gom nên buộc phải xây lối xuống thông thẳng ra quốc lộ

Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương

Ông Long vẫn khẳng định thiết kế của cầu không sai, quan điểm của Giám đốc Sở GTVT Hải Dương là người dân vẫn được phép đi sát lề đường trong trường hợp không có vỉa hè.

"Nhưng thiết kế như vậy chưa phù hợp. Đúng ra, lối xuống của cầu vượt phải cắt qua cả đường sắt, dẫn xuống một đường gom dân sinh thay vì dẫn thẳng xuống quốc lộ", ông Long thừa nhận.

Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng trong vụ tai nạn ngày hôm qua, nếu lối xuống của cầu vượt không nằm ở vị trí đó mà nằm sâu bên trong thì sẽ không xảy ra tai nạn.

"Đặt lối xuống ở bên ngoài dải phân cách thì sẽ an toàn hơn, nhưng ngay bên ngoài dải phân cách là đường sắt, ngoài đường sắt là ruộng. Do chưa có vốn để xây dựng đường gom nên buộc phải xây lối xuống thông thẳng ra quốc lộ", ông Long nói.

Cầu vượt xây sai gián tiếp gây tai nạn thảm khốc ở Hải Dương? - 2
Vệt bánh xe của ôtô tải đâm vào đoàn người đang đi bộ sát lề đường để lên cầu vượt cắt qua quốc lộ 5. Ảnh: Trần Anh.

Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết cầu vượt này do Bộ GTVT thiết kế, Sở GTVT Hải Dương đã có kiến nghị về điểm bất cập nói trên và Bộ cũng đã ghi nhận vấn đề này.

Quốc lộ 5 có 3 làn xe hỗn hợp, hai làn ngoài cùng dành cho ôtô 5-9 chỗ, làn giữa cho xe khách, xe tải chạy với tốc độ tối đa 80 km/h, khu vực đông dân cư tốc độ tối đa 50 km/h. Làn trong cùng dành cho xe máy và xe thô sơ.

Điểm đen giao thông

Tối 21/1, lãnh đạo ngành giao thông tỉnh Hải Dương và đại diện công an tỉnh có mặt trong cuộc họp đột xuất do Bộ trưởng GTVT chủ trì để báo cáo về vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 5 làm 8 người chết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng khu vực xảy ra vụ tai nạn là một “điểm đen” giao thông có các vấn đề liên quan đến cầu vượt cho người đi bộ, người dân thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt.

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục đường bộ rà soát lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của đơn vị khai thác, thu phí là Vidifi vì có một số làn vạch sơn không rõ.

Đối với quốc lộ 5 và nhiều quốc lộ có khu công nghiệp thường có cầu cho người đi bộ qua đường, Bộ trưởng GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ kiểm tra, chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Ngọc Tân (Tri Thức Trực Tuyến)