Xã hội

Bộ trưởng Y tế: 'Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn'

"Bệnh viện phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ. Những chi tiết đó nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng cơ sở y tế", bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường sáng 27/10 có các ý kiến trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ y tế đến an ninh mạng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, với nỗ lực toàn ngành, chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở vừa qua đã được cải thiện rõ nét và đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ. Cụ thể, theo đánh giá của UNDP, chỉ số hài lòng về dịch vụ hiện là 70% và một khảo sát độc lập khác cho thấy, tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.

Bộ trưởng Y tế: 'Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trước Quốc hội sáng 27/10. Ảnh: Ngọc Thắng

Bà nhấn mạnh đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh; ban hành 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện theo kết quả chấm điểm độc lập để tiến tới công khai; xây dựng bệnh viện mới ở tuyến tỉnh, Trung ương, huyện...

"Các bệnh viên rộng rãi, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, có bộ phận tiếp dân, đường dây nóng và phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ. Những chi tiết nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng. Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là trưởng khoa đó ở bẩn", bà Tiến nói.

Về quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, bà Kim Tiến thừa nhận "ngành y đã nỗ lực nhưng chưa cải thiện như mong muốn".

Nguyên nhân được Bộ trưởng Y tế nêu, là người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới, bị bệnh nhẹ cũng vào viện tuyến trên. Chẳng hạn dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua, bệnh nhân mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải.

Ngoài ra, chăm sóc bệnh viện vẫn chưa được toàn điện, chưa đáp ứng đủ tỷ lệ nhân viên y tế trên mỗi bệnh nhân. Mặt khác, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, không đồng đều các miền. "Bộ xin tiếp thu để nâng chất lượng khám chữa bệnh tại các vùng, miền hơn nữa", bà Tiến hứa.

Ba "chân kiềng" phát triển ngành y tế

Về hướng phát triển ngành y tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ "đi bằng kiềng 3 chân".

Thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang khoẻ mạnh, phát hiện bệnh sớm vì "nếu bị rồi thì chữa rất khó và rất tốn kém". Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu phải gắn với mô hình y học gia đình, trạm y tế xã phường và phòng khám bác sĩ gia đình.

"Chúng tôi đang thiết lập 26 mô hình điểm giống các nước đã phát triển, xây dựng toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, cung cách hoạt động, cơ chế tài chính", bà Tiến nói và cho biết các nước có thu nhập bình quân 15.000 đến 17.000 USD thì họ mất 10 năm xây dựng mô hình này. Việt Nam với mức thu nhập gần 3.000 USD cũng sẽ cố gắng phấn đấu 10 năm, trong 5 năm tới có mô hình cơ bản.

"Mong Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa", bà nói.

Thứ hai, khi người dân bị bệnh, phải vào cơ sở y tế thì cần được chăm sóc chu đáo, toàn diện.

"Sắp tới Bộ Y tế sẽ hình thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khoẻ thì có thể thực hiện tại Việt Nam. Điều này là trong tầm tay nhưng cũng phải có chính sách đồng bộ", Bộ trưởng Y tế cho hay.

Thứ ba, theo Bộ trưởng Tiến là vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua luật Giáo dục Đại học, bà đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành Y tế. Học 6 năm ra trường phải học thêm một năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề qua đánh giá của hội đồng quốc gia độc lập. Sau đó phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, theo mô hình của quốc tế.

Video: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Việt Nam có thể trở thành "vịnh tránh bão"

Xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung Quốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng "đã bộc lộ bản chất là cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần tuý thương mại; vì vậy cần xác định đây là cuộc chiến lâu dài đối với cả hai bên".

Theo ông Đồng, Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt và phụ thuộc nhiều vào hai thị trường này, trong đó có vấn đề Biển Đông đang rất phức tạp nên chịu tác động rất lớn từ cuộc đối đầu trên, "dễ thấy nhất là chịu sự rủi ro về thương mại, tiền tệ và dòng vốn". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế - tức là có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.

"Đây là thời điểm nhạy cảm đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hoá giải được tình thế lưỡng nan cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm được những rủi ro", ông Đồng nói.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ông nói: "Đây không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị và sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ".

Vì thế, chiến lược sắp tới đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là khai thác tốt cơ hội và hạn chế nguy cơ. Bộ trưởng Công Thương hứa sẽ có báo cáo đầy đủ về vấn đề này gửi tới Quốc hội.

"Chính phủ đã lạc quan về tình hình tăng trưởng”

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhận định, Chính phủ đã lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Ông phân tích, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57 % mỗi năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7% mỗi năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn.

"Nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% hàng năm cho 2 năm tới? Và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng", ông Lộc nói.

Bộ trưởng Y tế: 'Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn' - 1
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu sáng 27/10. Ảnh: Ngọc Thắng

Vị đại biểu cho hay, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua. Do vậy, việc xác định các mục tiêu khác như thu/chi ngân sách, nợ công... rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Chiều nay Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội.

Theo Anh Minh - Hoàng Thuỳ - Võ Hải (VnExpress.net)