Xã hội

Căng mình chống sạt lở

Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh ở các tỉnh đã và đang đe dọa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình dân sinh, phá vỡ hệ thống đê kè, gây ngập lụt, xâm nhập mặn, từ đó gây ra những tác động bất lợi đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Những ngày này, mưa kéo dài cùng với nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến tình hình sạt lở ở nhiều tuyến kênh rạch tại TP HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre thêm phức tạp.

Căng mình chống sạt lở
Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh ở các tỉnh.

Điều đáng nói, dù tình trạng này năm nào cũng diễn ra nhưng việc ứng phó, giải quyết vẫn loay hoay, chưa triệt để, không chỉ khiến phát sinh các điểm sạt lở mới mà còn tái diễn tình trạng sạt lở ở khu vực cũ.

Tình trạng cấp bách

Mặc dù không phải là vấn đề mới, nhưng tình trạng sạt lở ven kênh rạch đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân. Như ở tỉnh Long An, thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, tình hình sạt lở nghiêm trọng thường diễn ra ở các tuyến sông như sông Vàm Cỏ, sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn… 

Nguy hiểm nhất là khu vực thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) nằm bên sông Cần Giuộc, có chiều dài hơn 1,6 km với hàng trăm hộ dân đang sinh sống sát bên miệng “thủy thần”. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, khu vực này đã có 12 căn nhà và một khu chợ bị cuốn trôi xuống sông.

Cũng trên sông Cần Giuộc, tại xã Long Hậu, sạt lở đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 hộ dân, trong đó có 63 hộ đang sống ngay khu vực cần phải di dời khẩn cấp. Trong 10 năm trở lại đây, khu vực này đã có 10 căn nhà trôi sông, và 63 căn bị nghiêng, nứt tường, có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Tương tự, ở tỉnh Tiền Giang, thống kê trong 7 tháng đầu năm 2018, cho thấy đã xảy ra 67 điểm sạt lở với chiều dài hơn 6,7 km. Tại huyện Cái Bè, có 9 điểm sạt lở với chiều dài 716 m; huyện Cai Lậy 26 điểm, chiều dài 4.233 m; thị xã Cai Lậy 8 điểm, chiều dài 912 m; huyện Châu thành 21 điểm, chiều dài 641 m. TP.Mỹ Tho có 3 điểm, chiều dài 227 m. Tuy nhiên, tỉnh này mới xử lý được 11 điểm, còn lại đang tiếp tục tìm phương án khắc phục.

Trong khi đó, tại TP HCM, tình trạng cũng cấp bách không kém khi nhiều điểm đen về sạt lở dù đã được dự đoán trước nhưng lại không dễ đối phó. Huyện Nhà Bè là nơi có nhiều vị trí sạt lở nhất với 12 điểm, trong đó có 8 điểm đặc  biệt nguy hiểm.

Huyện Cần Giờ có 6 vị trí sạt lở, 4 trong số đó là đặc biệt nguy hiểm. Huyện Bình Chánh có 4 địa điểm sạt lở. Quận Thủ Đức có 4 vị trí sạt lở nằm quanh tuyến sông Sài Gòn…

Được biết, hầu hết các điểm sạt lở ở TP HCM đều được giải quyết bằng các dự án hạ tầng nhưng nhiều năm qua, các dự án này lại được triển khai rất chậm bởi giải phóng mặt bằng khó khăn. Mặc dù người dân luôn lo sợ tình trạng sạt lở, nhưng nhiều gia đình không chấp nhận bỏ mặt bằng để thi công các dự án đê, bờ kè, gây khó khăn trong việc khắc phục.

Phức tạp nhất là khu vực tỉnh Bến Tre với khoảng 100 điểm sạt lở kéo dài trên khoảng 120 km chiều dài ở nhiều khu vực. Ngoài tình trạng sạt lở ven sông, rạch thì tình trạng sạt lở ven biển tại Bến Tre cũng rất đáng báo động.

Căng mình chống sạt lở - 1
Một điểm sạt lở uy hiếp nhà dân ở Long An.

Loay hoay tìm giải pháp
Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh ở các tỉnh đã và đang đe dọa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình dân sinh, phá vỡ hệ thống đê kè, gây ngập lụt, xâm nhập mặn, từ đó gây ra những tác động bất lợi đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, các giải pháp đề ra vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng tái diễn sạt lở vẫn còn diễn ra.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, cho biết, trước tình hình sạt lở bờ sông Cần Giuộc, đơn vị này đang gấp rút thực hiện công trình kè chống sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng, cuộc sống của cộng đồng dân cư cũng như kết cấu hạ tầng, công trình, đường sá giao thông. Sở đang phối hợp các cơ quan liên quan để chuẩn bị triển khai dự án kè chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc). Dự án có tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương này đã có nhiều công trình kè chống sạt lở như: Gia cố bằng bê-tông, kè mềm, vận động người dân tự gia cố. Ngoài nguồn kinh phí địa phương, tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn ODA, đầu tư khắc phục những điểm sạt lở lớn, vượt quá khả năng cân đối kinh phí đầu tư của tỉnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho phép Tiền Giang xử lý khẩn cấp bốn điểm nóng sạt lở với tổng kinh phí 130 tỷ đồng giai đoạn 1. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa sạt lở, tăng cường công tác dự báo, kiểm soát các điểm có nguy cơ sạt lở để khẩn trương xử lý các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Có thể nói, điệp khúc sạt lở và chống sạt lở mùa mưa năm nào cũng diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam nhưng đến nay chưa có phương án hữu hiệu để giải quyết triệt để. Ngoài yếu tố thiên nhiên, sự biến đổi bất thường của khí hậu, thì nguyên nhân chủ yếu là tình trạng khai thác cát, sỏi trong lòng sông cũng như tình trạng gia tăng các phương tiện đường thủy cỡ lớn đã khiến bờ sông luôn bị đặt trong tình trạng bị uy hiếp, dễ sạt lở.

Theo Đoàn Xá (Daidoanket.vn)