Xã hội

Bộ Y tế: Không nên lo ngại máy đo nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona

Liên quan đến đề nghị các đơn vị xem xét việc dừng thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vì virus corona, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung cho hay mọi người không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm.

Chiều muộn ngày 31/1/2020, bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (nCov) gây ra.

Tại cuộc họp báo, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng cục Y tế dự phòng, cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp quá nhanh, đến nay các hiểu biết về căn bệnh, về nguồn bệnh, về loại virus còn hạn chế, chưa thật rõ ràng. Vì vậy, người dân cũng có sự lo lắng nhất định, đặc biệt các cơ quan báo chí cũng có những điều chưa hiểu cặn kẽ, cho nên thông tin tiếp nhận và cung cấp chưa được tốt.

Tính đến ngày 31/1/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới đã có 9.833 trường hợp mắc bệnh, xảy ra trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng ở Trung Quốc là 9.699 người. Đã có 213 người tử vong vì dịch bệnh này.

Tại Việt Nam, xác định 5 trường hợp dương tính với virus corona, đều là ca xâm nhập, chưa có ca bệnh lây lan từ cộng đồng. Trong đó mới đây nhất là ba trường hợp từ Vũ Hán về, một người ở Thanh Hóa, 02 trường hợp ở Vĩnh Phúc.

“Chúng ta cần xác định rõ tình hình dịch bệnh, phòng chống dịch quyết liệt nhưng cần tỉnh táo để tránh hệ lụy đến vấn đề xã hội, an sinh của người dân”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Bộ Y tế: Không nên lo ngại máy đo nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona
Toàn cảnh buổi họp báo.

Liên quan đến việc đề nghị các đơn vị xem xét dừng thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vì virus corona và câu hỏi được nhiều người đặc biệt quan tâm: "Virus corona có lây lan qua máy đo nồng độ cồn hay không?", PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Không chỉ riêng nCoV mà tất cả các trường hợp thổi nồng độ cồn đều phải dùng riêng ống thổi dùng 1 lần để tránh lây nhiễm. Ngành công an cũng phải có thống nhất như vậy, cũng không nên lo lắng quá về nguy cơ lây nhiễm. Không có dịch bệnh thì cũng không dùng một ống thổi nhiều lần”.

Bộ Y tế: Không nên lo ngại máy đo nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona - 1
Không chỉ khi có dịch nCoV, tất cả các trường hợp thổi nồng độ cồn đều phải dùng riêng ống thổi dùng 1 lần (Ảnh minh hoạ).

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến thắc mắc có xét nghiệm được virus corona tại nhà, Phó Viện trưởng vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, hiện chưa có xét nghiệm sinh phẩm nào có thể xét nghiệm virus corona tại nhà.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng thông tin, hiện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương có đủ kỹ thuật để chẩn đoán. Các xét nghiệm đều được đặt ở các viện lớn như Nhiệt đới và Pasteur.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các bệnh viện địa phương phải lấy mẫy bệnh phẩm để gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Trong xét nghiệm phải có quy định ca nào xét nghiệm ca nào không, vì căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, cần có chẩn đoán cụ thể”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Về vấn đề sử dụng thuốc điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm corona, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm cho hay: “Ngày 16/1/2020, bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nCoV. Hiện, thuốc điều trị trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin để tiêm phòng. Chủ yếu là điều trị tích cực, điều trị triệu chứng, phát hiện kịp thời các tình trạng nguy hiểm như: Suy hô hấp, viêm phối cấp.

Trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc đặc hiệu trị triệu chứng như: Ho dùng thuốc ho; sốt dùng thuốc hạ sốt, dịch truyền; khó thở cho thở oxy; rối loạn nước điện giải, dinh dưỡng có thể truyền các dịch cơ bản để giảm nguy cơ biến chứng.

Các bệnh nhân có bệnh lý kèm sẽ được sử dụng thuốc đặc trị các bệnh đó. Các thuốc này là thuốc bệnh viện vẫn dùng hàng ngày, bộ cũng chỉ đạo các cơ sở thực hiện đảm bảo cung ứng, sẵn sàng thuốc ứng phó dịch. Trong trường hợp thiếu thuốc phải mua sắm ngay, đấu thầu, không để thiếu thuốc.

Bên cạnh đó, bộ Y tế cũng khẳng định trong hướng dẫn điều trị corona của WHO và bộ Y tế đều không có tamiflu vì không có tác dụng. Người dân không nên đổ xô đi mua.

Theo Thanh Lam - Lê Liên (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/bo-y-te-khong-nen-lo-ngai-viec-may-nong-do-con-co-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-a464229.html