Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: 'Sẽ có hướng dẫn việc thu, chi tiền công đức'

Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc thu, chi tiền công đức và Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch khuyến cáo mỗi cơ sở không nên đặt quá 3 hòm công đức.

Du lịch biển chiếm 60% doanh thu toàn ngành du lịch

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí về phát triển du lịch biển đảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói, xét lợi thế biển, Việt Nam đứng thứ 32/153 quốc gia có biển. Hiện là du lịch biển đứng đầu trong 4 sản phẩm du lịch, chiếm 70% lượng khách, 60% doanh thu của toàn ngành du lịch.

Vì vậy, Bộ Văn hoá xác định phải tập trung phát triển du lịch biển mạnh hơn, quy hoạch tốt các khu du lịch biển gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội để không phá vỡ môi trường, không tổn hại tài nguyên.

"Chính phủ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ như đường ven biển, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư du lịch biển, bên cạnh đó quan tâm phát triển bền vững sinh kế của người dân. Ven biển là nơi tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí chưa bằng các nơi khác. Phát triển du lịch biển phải lưu ý vấn đề dân sinh", Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.

"Các cuộc thi hoa hậu là cần thiết"

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phản ánh Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ cấp phép 6 cuộc thi người đẹp nhưng thực tế có nhiều cuộc thi gây dư luận không tốt. "Các cuộc thi người đẹp, hoa hậu nhằm mục đích gì, đã đạt được chưa?", bà Thảo nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thiện cho biết vừa qua, Bộ thực hiện nghiêm túc việc tổ chức, quản lý các cuộc thi hoa hậu, "nhưng các cuộc thi này trải qua rất nhiều vòng, từ sơ loại, vòng loại, tứ kết, bán kết... nên người dân thấy nhiều".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc, "thi hoa hậu thì không có... tứ kết". Hội trường cười vui vẻ với lời nhắc này. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải thích "do quen với cách nói thể thao nên nhầm sang thi hoa hậu".

Theo Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Việt Nam cũng cử người đẹp đi tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

"Các cuộc thi hoa hậu là cần thiết, nhưng không nên lợi dụng thi hoa hậu để kinh doanh, làm lợi cho bản thân", ông Thiện nói và khẳng định các cuộc thi sắc đẹp phải được cấp phép, với các cuộc thi không đúng quy định thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.

Chưa có quy định pháp luật về thu - chi tiền công đức

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá nêu vấn đề về việc một số công trình tâm linh đặt quá nhiều thùng tiền công đức, "vậy việc sử dụng số tiền công đức này như thế nào?".

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về thu - chi tiền công đức; chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức "phải đúng mục đích, công khai".

Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 110 về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn thu - chi tiền công đức; Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra khuyến cáo đặt tối đa 3 thùng công đức tại mỗi khu di tích, cơ sở tâm linh. Tuy nhiên, với góp ý của đại biểu và căn cứ thực tiễn, Bộ sẽ đề xuất việc đặt thùng công đức tại các khu di tích như thế nào nhằm "đảm bảo nếp sống văn minh, văn hoá".

"Chưa có thông tin về việc quan chức góp tiền xây chùa"

Ông Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nêu chất vấn "có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh và việc một số quan chức góp tiền xây dựng chùa?".

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: 'Sẽ có hướng dẫn việc thu, chi tiền công đức'
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hoá các công trình tâm linh, thực hiện hành vi mê tín dị đoan nếu có là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý.

Tuy nhiên, ông cho biết, hiện chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa. Bộ trưởng Thiện đề nghị đại biểu Mai Bộ cung cấp thông tin chính xác để cơ quan quản lý Nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "đại biểu chất vấn thì chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra". Bà đề nghị đại biểu Nguyễn Mai Bộ nếu có thông tin việc cán bộ góp tiền xây chùa thì cung cấp để Quốc hội giám sát.

'Người mẫu Ngọc Trinh mặc trang phục phản văn hoá khi dự Cannes'

Nói về hiện tượng lệch chuẩn của một số công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề cập tới trường hợp người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm khi tham dự Liên hoan phim tại Cannes (Pháp).

Ông cho hay, người mẫu này sang Pháp tham dự sự kiện trên với tư cách cá nhân, không phải do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cử đi

"Việc ăn mặc phản cảm của Ngọc Trinh là hành vi lệch chuẩn, hết sức phản cảm, phản văn hoá và phải lên án gay gắt", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và cho biết, Bộ này đang nghiên cứu quy định để xử phạt các trường hợp như nêu trên.

Trước đó hôm 19/5, Ngọc Trinh dự thảm đỏ Liên hoan phim Cannes theo lời mời từ một nhà tài trợ sự kiện. Cô diện đầm của nhà thiết kế Đỗ Long có chất liệu voan xuyên thấu, cắt khoét, đính pha lê dọc thân, hai tà xẻ cao quá hông.

"Xử lý triệt để tour du lịch 0 đồng'

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu thực trạng tour du lịch 0 đồng đang diễn ra dẫn đến thất thu thuế. "Khách nước ngoài bị cho ăn bữa rẻ tiền, ép vào khu mua sắm với giá cao sau đó đã lên mạng nói xấu Việt Nam, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước; giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?", bà Xuân nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay đây là vấn đề mà ngành du lịch nhiều lần đưa ra giải pháp để xử lý. Bản chất của tour 0 đồng là có nhiều tiêu cực như cắt chương trình, đưa khách vào khu mua sắm giá cao. Những cửa hàng bán sản phẩm có thể là nguồn bù đắp cho tour.

Ông Thiện nhấn mạnh phải kiên quyết chống các tour du lịch 0 đồng với giải pháp phải đồng bộ; tăng cường tuyên truyền để khách du lịch hiểu được những tiêu cực khi tham gia tour 0 đồng; tổ chức thanh kiểm tra, xử lý công ty, hướng dẫn viên có vi phạm.

'Phạt 5 triệu đồng với cá nhân vi phạm ở chùa Ba Vàng là mức cao nhất'

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nêu chất vấn liên quan đến sai phạm thỉnh vong ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và cho rằng, việc bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền về "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" bị phạt 5 triệu đồng là "quá nhẹ".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc thỉnh vong ở chùa Ba Vàng vừa qua là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, văn hoá cần lên án và xử lý. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cá nhân liên quan với mức 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

"Thực ra mức 5 triệu đồng thì rất nhỏ nhưng tôi nghĩ có phạt đến 100 triệu thì cũng không phải lớn. Chúng tôi đồng ý trong quản lý Nhà nước phải tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính, song tiền là một chuyện, quan trọng hơn làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức với những việc làm như vậy. Chúng ta kết hợp giữa xử phạt và dư luận xã hội thì tốt hơn", ông Thiện nói.

Trước đó ngày 20/3, chùa Ba Vàng bị phản ánh tổ chức "tuyên truyền vong báo oán". Sau khi có chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính quyền TP Uông Bí đã rà soát các hoạt động của nhà chùa, phát hiện nhiều sai phạm, như: tổ chức "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" không có trong danh mục đăng ký. Bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền về "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" bị phạt 5 triệu đồng.

Năm 2019 khách quốc tế tới Việt Nam có thể đạt 18 triệu người

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng hỏi vì sao năm 2016-2017 khách quốc tế tới Việt Nam tăng 30%, nhưng 3 tháng đầu năm nay lại chững lại?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm nay lượng khách quốc tế tới Việt Nam có khả năng đạt 18 triệu, nhưng đúng là từ đầu năm đến nay có dấu hiệu chững lại do lượng khách Trung Quốc giảm vì nhiều lý do.

Về giải pháp, ông Thiện nói, ngành du lịch phải đẩy mạnh giải pháp quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như thị trường Trung Quốc. "Du khách từ thị trường Trung Quốc không tăng thì du lịch Việt Nam gặp khó. Không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng rất chú trọng phát triển thị trường này", ông Thiện nêu.

Du lịch Việt Nam xếp thứ 67/136 nền kinh tế

Trả lời chất vấn về thứ hạng của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá du lịch Việt Nam đứng thứ 67/136 nền kinh tế.

Việt Nam có điểm mạnh tài nguyên tự nhiên xếp thứ 34, tài nguyên thiên nhiên 30, sức cạnh tranh về giá 35. Tuy nhiên, chỉ số hạ tầng du lịch đứng 113, mức độ ưu tiên du lịch 101, thị thực 116 trong khi Thái Lan 21 (thấp nhất trong các nước ASEAN). Việt Nam miễn thị thực đơn phương hơn 20 nước, cấp thị thực điện tử cho 80 nước trong khi Thái Lan, Singapore các chỉ số năng lực cạnh tranh cao hơn nhiều.

Theo PV (VnExpress.net)