Xã hội

'Bổ sung quy định về livestream sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng'

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ đã sửa đổi Nghị định 72, trình Thủ tướng xem xét ban hành, trong đó, bổ sung quy định xử lý livestream trên mạng.

Sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn Quốc hội về các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa quan tâm đúng mức tới quản lý mạng xã hội, khi có vụ việc xảy ra mới thanh tra, kiểm tra nên tình trạng "báo hoá mạng xã hội và mạng xã hội thì hoá báo".

Theo ông, cơ quan chức năng lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. "Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?", ông Hoàng Anh chất vấn.

'Bổ sung quy định về livestream sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng'
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 4/11. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Phương Hằng. Ông cho hay, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và công an đã xử lý hình sự.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng, có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị 4 giải pháp liên quan an ninh mạng

Chất vấn lĩnh vực TT-TT liên quan đến BCA có 3 vấn đề, 1 là tồn tại hạn chế quản lý về an ninh mạng, 2 là mua bán trái phép thông tin cá nhân và giải pháp ngăn chặn xử lý. 3 là chia sẻ kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Theo đánh giá về an ninh mạng thì có có 5 nhóm, có nơi còn khoán trắng cho cơ quan chuyên trách. Công tác quản lý vi phạm còn chưa hiệu quả. Phần lớn nền tảng dịch vụ công nghệ hiện không có pháp nhân đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để phối hợp xử lý, quản lý.

Tiếp đó, việc thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân diễn ra rất phức tạp. Tôi kiến nghị 4 giải pháp:

Một là hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách đặc thù trên không gian mạng.

Hai là ban bộ ngành địa phương phải chủ động hiện đại hoá cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân. Dữ liệu là tài sản quốc gia cần đảm bảo kể cả dữ liệu bí mật cá nhân.

Ba là xây dựng nhân lực chất lượng cao để bố trí nhân sự có khả năng năng lực hoàn thành công việc này. Tất cả các cơ quan liên quan bảo vệ dữ liệu đều phải làm vấn đề này.

Bốn là đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức mạnh về bảo mật, tích cực tham gia xây dựng sáng kiến quy chuẩn quy tắc bảo vệ an ninh dữ liệu.

Cần xây dựng "văn hoá mạng"

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phản ánh hiện trạng giáo dục chịu tác động nguy hại từ không gian mạng. "Các hành vi tiêu cực từ không gian mạng đang len lỏi vào nhà trường tạo thành hành vi tiêu cực, lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ", bà nói, đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ quan tâm tới xây dựng văn hoá mạng và giải pháp giải quyết vấn đề này là gì.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận "đây là câu chuyện nhức nhối". Ông cho hay, nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo, không ai biết mình là ai, nên phát ngôn thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 tới đây, khi được ban hành sẽ quy định nhà mạng phải xác thực được danh tính người dân khi đăng ký dùng mạng, để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính người đó. Đây là giải pháp manh mẽ để người dân có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng.

Theo Bộ trưởng, cần tạo lập văn hóa cho môi trường sống mới, từng bước xây dựng văn hoá số. Bước đầu tiên là cần bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, hiện Bộ đã ban hành bộ quy tắc mẫu và sẽ đánh giá sơ kết thực hiện vào năm sau. "Căn cơ nhất thì vẫn cần đi cả hai chân, pháp trị và đức trị, tức là dùng pháp luật và văn hoá, giáo dục", ông Hùng nhấn mạnh.

Chưa đồng tình phần trả lời của Bộ trưởng Hùng về xây dựng văn hoá mạng, ông Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) giơ biển tranh luận. Theo ông, nếu chỉ hành động như vậy thì chưa thể xây dựng văn hoá mạng tốt, văn minh ở Việt Nam, đề nghị Bộ trưởng cần thúc đẩy việc này mạnh mẽ hơn.

Ông Hùng đồng tình, cho rằng văn hoá mạng rất rộng và nhiều việc cần làm. Bộ quy tắc ứng xử mẫu của Bộ Thông tin & Truyền thông ngoài áp dụng cho cơ quan công quyền và các tổ chức khác có thể coi là mẫu tham khảo. Quy tắc ứng xử cần tuyên truyền rộng rãi để "ngấm vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân và cách tốt nhất là dùng nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, văn hoá, đưa vào nhà trường.

NT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bo-sung-quy-inh-ve-livestream-sau-vu-ba-nguyen-phuong-hang-a362770.html