Xã hội

Bộ Ngoại giao lên tiếng việc một số cán bộ bị bắt trong vụ chuyến bay giải cứu

Tất cả cán bộ ngoại giao đều phải tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của nhà nước. Các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm.

Trong họp báo thường kỳ chiều 6/10, báo chí đặt câu hỏi cho biết tuần qua vụ việc chuyến bay giải cứu công dân có những diễn biến mới liên quan đến vai trò của các cán bộ ngoại giao, quan điểm của Bộ Ngoại giao như thế nào? Phóng viên đặt vấn đề liệu có những kẽ hở trong quản lý cán bộ hay không? Trước những vụ việc mà các cán bộ ngoại giao phải đối diện với pháp luật, Bộ Ngoại giao làm gì để củng cố về tâm lý cho các cán bộ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngày 4/10, Bộ Công an đã có thêm một số thông tin liên quan đến vụ việc. Trước đó, Bộ Ngoại giao đã đình chỉ công tác của các cá nhân liên quan để phục vụ quá trình điều tra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhằm làm rõ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Ngoại giao lên tiếng việc một số cán bộ bị bắt trong vụ chuyến bay giải cứu
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao là tất cả cán bộ ngoại giao đều phải tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Đảng, Nhà nước. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý, không bao che, không có vùng cấm.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, nhân viên, rà soát, hoàn thiện quy trình xử lý công việc, bảo đảm quy trình chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi cho công dân, nhất là thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân; thực hiện nghiêm túc đầy đủ công tác kiểm tra, thanh tra theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Bà Hằng khẳng định: "Chúng tôi quán triệt đến từng đơn vị, từng cán bộ, nhân viên về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ; đồng thời động viên các cán bộ nhân viên giữ vững truyền thống ngành ngoại giao, đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó".

Cách đây hai ngày, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản về tội "Nhận hối lộ"; bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". 

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Anh Kiếm, nghề nghiệp tự do, để điều tra về tội "Đưa hối lộ".

Trước đó (ngày 27/9), Cơ quan an ninh điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh - để điều tra về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các tỉnh, thành liên quan.

Vụ án này được Cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1. Đến nay đã có 22 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Trong đó, quan chức cao nhất bị khởi tố đến nay là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng bị điều tra về tội nhận hối lộ. Một số cán bộ khác tại Bộ Ngoại giao cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng và Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng bảo hộ công dân.

Theo Trần Thường - Minh Nhật (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-can-bo-bi-bat-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-cong-dan-2067390.html