Xã hội

Bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ

GS.TS Võ Văn Sen cho rằng bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ mà cần ứng dụng thực hành. Cơ quan hành chính không cần chạy đua về chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay.

GS.TS Võ Văn Sen cho rằng bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ mà cần ứng dụng thực hành. Cơ quan hành chính không cần chạy đua về chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay.

Theo PGS Võ Văn Sen, TP.HCM là nơi có lực lượng trí thức lên tới 1,5 triệu người nếu tính từ bậc cao đẳng. Đây là lợi thế rất lớn của TP.HCM so với các thành phố khác. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới khoa học công nghệ chỉ cao hơn trung bình cả nước. Nếu như trung bình cả nước là 12% thì TP.HCM chỉ nhỉnh hơn 3%.

Trong khi đó, ngân sách chi cho khoa học công nghệ khoảng 400-500 tỷ đồng cho 5 năm, tức mỗi năm chỉ có 100 tỷ. PGS Võ Văn Sen đặt câu hỏi: Quy định chi cho khoa học công nghệ là 2% ngân sách, vậy có phải ngân sách đã bị mang đi làm chuyện khác?

Bo may dieu hanh khong can tien si, thac si hinh anh 1
Bí thư Đinh La Thăng kỳ vọng nhiều vấn đề của thành phố như giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường sẽ được các nhà khoa học chung tay tháo gỡ. Ảnh: Hải An.

“Nếu thành phố không có đột phá, chắc chắn không thể dẫn đầu cả nước. Mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm sáng tạo, tài chính của khu vực cũng không thể đạt được”, PGS Sen nói.

Một ví dụ được PGS.TS Võ Văn Sen đưa ra là Chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của TP.HCM từ năm 2001. Điều đáng tiếc, theo PGS Sen, chương trình đã không hướng đến đối tượng nhân lực tại các viện nghiên cứu và các trường đại học. Nếu làm vậy, số tiền chi ra cho chương trình sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Không chỉ TP.HCM, nghị quyết của nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước hiện nay đặt ra chỉ tiêu số lượng tiến sĩ, thạc sĩ. “Tuy nhiên, bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ mà cần ứng dụng thực hành. Cơ quan hành chính không cần chạy đua về chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay”, PGS Sen nói.

Theo PGS Võ Văn Sen, có người đi học 3-4 năm tiến sĩ xong thì trường phải tiếp nhận trở lại. Đội ngũ này là cán bộ của các ban ngành TP được cử đi học. Tuy nhiên, sau khi học xong và trở về đơn vị cũ, họ không làm việc được mà bày tỏ nguyện vọng được đi dạy.

Từ đó, PGS.TS Võ Văn Sen kiến nghị cần phải có chiến lược nghiêm túc, toàn diện về xây dựng đội ngũ trí thức. Trong đó, cần tránh tư tưởng quản lý theo ngân sách địa phương, như vậy mới có thể giải quyết được một cách căn cơ những bất cập hiện tại. “Một vài chính sách lẻ tẻ không giải quyết được vấn đề gì hết”, PGS Sen nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết nếu chỉ dựa vào ngân sách thì các đề tài khoa học không giải quyết được vấn đề. Theo ông Dũng, một đề tài ở Việt Nam được cấp khoảng 800 triệu đồng, trong khi ở Nhật Bản, con số là 10-20 triệu USD. Do vậy, khoa học công nghệ rất cần sự đầu tư của doanh nghiệp.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, bày tỏ TP.HCM đang thiếu những cá nhân đủ sức ảnh hưởng để lãnh đạo các đề án lớn. Ngược lại, tinh thần phản biện xã hội của trí thức trẻ lại thấp. Chính sách tiền lương cho trí thức cũng đang gặp nhiều bất cập.

Đề xuất thành lập Viện nghiên cứu Biển TP.HCM

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.HCM, kiến nghị TP.HCM nên quan tâm nhiều đến kinh tế biển. Trong đó, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng phát triển vận tải biển và các dịch vụ phụ trợ có thể trở thành lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận. 

“Nên chăng có một Viện nghiên cứu về kinh tế biển của TP để tập trung các nhà khoa học về biển, giao thông vận tải, nghiên cứu về cảng biển, kể cả dầu khí, thuỷ sản. Không nên vì lý do TP.HCM chỉ có 27 km bờ biển ở Cần Giờ mà coi nhẹ kinh tế biển”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm kiến nghị.

Theo Hà Hương (Zing.vn)