Xã hội

Bộ Lao động đang chờ hồ sơ đề nghị truy tặng cho 2 hiệp sĩ của TP.HCM

Phó cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên cho biết Bộ Lao động sẽ xem xét truy tặng liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ đường phố khi UBND TP.HCM hoàn thành hồ sơ đề nghị.

Ngày 15/5, trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), bày tỏ sự đồng ý với quan điểm nên tôn vinh và truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ tử vong khi bắt cướp ở TP.HCM.

Bộ Lao động sẽ xem xét truy tặng liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ

Phân tích rõ hơn, ông Kiên cho rằng những trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản và đấu tranh chống tội phạm đều được xem xét và hưởng chế độ của Nhà nước. Chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc cần đề nghị để truy tặng, phong tặng cho những cá nhân đó.

Bộ Lao động đang chờ hồ sơ đề nghị truy tặng cho 2 hiệp sĩ của TP.HCM
Hiện trường xảy ra vụ án. Ảnh: Phan Công.

“UBND TP.HCM cần làm hồ sơ đề nghị truy tặng liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ này, sau đó Chính phủ sẽ xem xét, thẩm định. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp bằng Tổ quốc ghi công”, ông Kiên nói.

Phó cục trưởng Cục người có công cho biết thêm hồ sơ của UBND TP.HCM cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ tính chất của sự việc, là một cuộc đấu tranh chống tội phạm để phục vụ quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng.

Về việc xét duyệt chế độ khen thưởng cho các nhóm hiệp sĩ, ông Nguyễn Duy Kiên nêu rõ: “Chính quyền địa phương và các cơ quan công an có chức năng hỗ trợ, khuyến khích họ. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có các hình thức động viên, tuyên dương khi phát động phong trào chống tội phạm trong toàn dân”.

Đến nay, Cục người có công đã công nhận liệt sĩ cho nhiều cá nhân trong thời bình, chủ yếu là công an, bộ đội và số ít là dân thường.

Bộ Lao động đang chờ hồ sơ đề nghị truy tặng cho 2 hiệp sĩ của TP.HCM - 1
Nguyễn Tấn Tài, nghi phạm liên quan đến vụ đâm chết 2 hiệp sĩ ở Sài Gòn. Ảnh: Công an cung cấp.

'Lực lượng công an không có 3 đầu 6 tay'

Trước nhiều luồng ý kiến tranh cãi việc bắt cướp là trách nhiệm của công an, ông Kiên cho rằng xã hội sẽ phát triển, văn minh hơn nếu mọi người có tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm chống lại cái xấu. “Lực lượng công an cũng không có ‘ba đầu sáu tay’ để giải quyết hết được”, ông nói.

Ông Kiên cho rằng hành lang pháp lý của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, bất cập, bởi người truy bắt tội phạm có thể bị truy tố ngược nếu gây ra thương tích.

Trao đổi với báo chí sáng cùng ngày, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định đơn vị này sẽ tập hợp hồ sơ đề nghị phong liệt sĩ đối với 2 hiệp sĩ đã hy sinh. Ngoài ra sẽ, nhóm 5 hiếp sĩ gồm 3 người bị thương và 2 người chết sẽ được khen thưởng và truy tặng xứng đáng.

"Thành phố có nhiều mô hình hiệp sĩ, hoặc các câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Phải thừa nhận mô hình này đang đi làm việc nghĩa, nên cần được quản lý, bồi dưỡng. Ngoài ra, các hiệp sĩ khi phát hiện thông tin về tội phạm, cần phải có lực lượng công an hỗ trợ", ông Minh thông tin.

Tối 13/5, băng trộm khoảng 4 tên xuất hiện bẻ khoá xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM). Trong lúc trộm chuẩn bị dắt xe đi thì nhóm hiệp sĩ khoảng 8 người xuất hiện, truy cản. Băng trộm bất ngờ dùng hung khí tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong. Bốn người khác bị thương và được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Danh tính 2 hiệp sĩ tử vong là Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định).

Diễn biến vụ 2 "hiệp sĩ" ở Sài Gòn bị bằng trộm đâm thiệt mạng. Tối 13/5, một nhóm trộm xuất hiện bẻ khóa xe SH của anh Phương. Nhóm "hiệp sĩ" gồm 6 người truy cản thì bị băng gây án dùng hung khí tấn công khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Theo Trà My (Tri Thức Trực Tuyến)