Xã hội

Bộ GTVT cân nhắc phương án di dời trạm thu phí T2

Sau khi thừa nhận bất cập tại trạm thu phí T2, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang cử đoàn công tác về địa phương tìm biện pháp giải quyết, trong đó cân nhắc cả việc di dời trạm.

Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Nguyễn Nhật xác nhận Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang cân nhắc các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu phí T2 (quốc lộ 91), trong đó nghiên cứu cả phương án di dời trạm sang vị trí khác.

Thừa nhận bất cập

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đã ghi nhận bất cập tại trạm thu phí T2 cả 2 hướng xe di chuyển trên quốc lộ 80 từ Kiên Giang sang An Giang và An Giang - Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên quốc lộ 91. Bộ GTVT cũng đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án.

Bộ GTVT cân nhắc phương án di dời trạm thu phí T2
Người dân An Giang bức xúc vì chỉ đi 300 m đường dự án để rẽ lên cầu Vàm Cống hoặc đi Kiên Giang nhưng phải trả phí cho toàn tuyến. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Di dời trạm là phương án lý tưởng nhất mà người dân đang mong muốn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, phương án được đưa ra sẽ phải căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Khi phóng viên đặt câu hỏi bất cập tại trạm thu phí T2 phát sinh do nguyên nhân khách quan hay có thể lường trước, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết Bộ đã cử đoàn công tác về địa phương nắm bắt thực trạng, khi đoàn xong việc mới có thể đưa ra câu trả lời.

Đặt trạm khi chưa tham vấn địa phương

Nói về việc duyệt vị trí đặt trạm T2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết vị trí đặt trạm trước đây đã được các cơ quan của địa phương như Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ thống nhất.

Trên thực tế, trạm thu phí đặt ở Cần Thơ nhưng lại nằm tiếp giáp với An Giang, trên lối đi TP.HCM, Kiên Giang và các tỉnh Đông Nam Bộ của người dân An Giang.

Một quyết định đặt trạm có ảnh hưởng lớn đến các địa phương lân cận như vậy nhưng Bộ GTVT chỉ nhắc đến sự thống nhất của Cần Thơ (địa phương đặt trạm). Theo đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, các ban ngành và đoàn ĐBQH tỉnh này không hề được xin ý kiến về vị trí đặt trạm.

Bộ GTVT cân nhắc phương án di dời trạm thu phí T2 - 1
Tài xế tụ tập phản đối trạm thu phí T2. Ảnh: M.A.

Về phía TP Cần Thơ, sau khi chính quyền thống nhất với Bộ GTVT về vị trí đặt trạm, người dân thành phố này cũng phản đối gay gắt. Nguyên nhân là trạm T2 đặt trên lối đi phà Vàm Cống của người Cần Thơ.

Tuy nhiên, từ khi cầu Vàm Cống khánh thành, người dân Cần Thơ, Đồng Tháp có lối lên cầu mà không cần qua trạm T2. Lúc này chỉ còn người dân ở An Giang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ trạm này.  

Trong văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành liên quan, Hiệp hội vận tải ôtô tỉnh An Giang cho biết ngay từ khi trạm T2 chuẩn bị xây dựng tại địa điểm hiện tại, hiệp hội này đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT, phản ánh vị trí đặt trạm bất hợp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Hiệp hội vận tải ôtô An Giang đã 15 lần gửi văn bản kiến nghị đến các ban ngành. Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ đặt ra việc miễn giảm phí.

Hơn 10 ngày qua, từ khi cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối Cần Thơ - Đồng Tháp) chính thức vận hành cũng là lúc làn sóng phản đối trạm thu phí T2 (quốc lộ 91) bùng lên gay gắt.

Trạm T2 vốn đặt ra để thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B từ An Giang đi TP Cần Thơ. Điểm vô lý là phương tiện không đi TP Cần Thơ, chỉ sử dụng 300 m đường để đi Kiên Giang hoặc TP.HCM nhưng vẫn phải nộp phí cho toàn tuyến.

Tài xế yêu cầu di dời trạm hoặc “đi bao nhiêu mét trả tiền bấy nhiêu”, tức là chỉ trả 2.000 đồng qua trạm T2 tương ứng với 300 m.

Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư cho dừng thu phí tạm thời tại trạm T2 để tính toán phương án và thực hiện giảm giá cho các phương tiện.

Theo Ngọc Tân (Tri Thức Trực Tuyến)