Xã hội

Bộ GD&ĐT không làm được sách giáo khoa: Bộ trưởng phải báo cáo và xin từ chức!

ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng, lý do mà bộ GD&ĐT đưa ra khi không hoàn thành việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa, chỉ là “kế hoãn binh” của Bộ; Việt Nam không thiếu người tài, các chuyên gia tâm huyết với giáo dục không thiếu, chỉ thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), người từng công tác trong lĩnh vực giáo dục cũng bày tỏ những trăn trở, suy tư về vấn đề này.

Thưa bà, việc bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, dẫn đến những hệ lụy như thế nào?

Bộ GD&ĐT dường như “đứng ngoài cuộc” trong việc biên soạn, mà để xã hội hóa sách giáo khoa, dẫn đến giá sách hiện nay của bộ sách mới do tư nhân đầu tư cao gấp 3 - 5 lần so với bộ sách giáo khoa cũ. Đây sẽ là khó khăn chung cho học sinh và phụ huynh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Khi đời sống đang hết sức khó khăn, thì việc học của con cái cũng là một gánh nặng đối với người dân nghèo...

Bên cạnh đó, việc dùng 1 trong 5 bộ sách hiện nay đòi hỏi phải có một hội đồng thẩm định, nhưng liệu hội đồng thẩm định đó có khách quan hay không? Chưa kể đến tính cạnh tranh, hay cạnh tranh không lành mạnh trong vấn đề lựa chọn bộ sách giáo khoa nào? Có thật sự chất lượng không? Khi mà quy chuẩn không có để so sánh.

Khi bộ sách giáo khoa được lựa chọn, thì việc định giá không do Nhà nước mà do tư nhân, nhóm tác giả quyết định. Liệu lúc đó chúng ta có đủ điều kiện để mua sách giáo khoa cho con đi học không?

Bộ GD&ĐT không làm được sách giáo khoa: Bộ trưởng phải báo cáo và xin từ chức!
ĐBQH Hồ Thị Minh

Là người theo dõi chuyện bộ GD&ĐT chậm chễ trong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc được phản ánh trên Người Đưa Tin Pháp luật. Bà có cho rằng nguyên nhân cũng xuất phát từ việc bộ không có một bộ sách giáo khoa?

Đúng vậy, bộ GD&ĐT không biên soạn sách, nên không có bản quyền để làm bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc song ngữ (tiếng Kinh - tiếng dân tộc) và bộ sách chữ nổi... Trước thềm năm học mới, Bộ mới bắt tay vào biên soạn, liệu có chất lượng hay không? Trong khi chủ trương đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục Việt Nam đã được cụ thể hóa qua Nghị quyết, trong đó có đổi mới sách giáo khoa đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là vấn đề tôi và chúng ta rất lo lắng; tiền đã đi vay, mấy năm nay dẫm chân tại chỗ, hàng năm báo cáo xin lùi; nhưng có lẽ do Quốc hội và Chính phủ chưa có giải pháp quyết liệt để ngành giáo dục thấy rõ trách nhiệm của mình mà biên soạn sách.

Hơn một tháng nữa năm học mới đã bắt đầu, trách nhiệm này ngay cả người đừng đầu ngành giáo dục cũng không gánh được, đừng để thế hệ trẻ của đất nước mãi mãi là những “chú chuột bạch” cho ngành giáo dục thí nghiệm.

Trong khi đó, sách giáo khoa là tài liệu của Quốc gia, không thể “thả nổi” được, bắt buộc phải thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nếu có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước thì rất tốt, chuẩn chỉnh, sau đó, thẩm định các bộ sách xã hội hóa. Bà có ý kiến như thế nào với vấn đề này?

Tôi đồng tình. Các bộ sách từ lớp 2 đến lớp 12, bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm, không thể “thả nổi” như bộ sách lớp 1 hiện nay. Riêng bộ sách lớp 1 trước mắt phải lựa chọn 1 trong 5 bộ do xã hội hóa; nhưng phải có cơ chế ràng buộc, để không làm ảnh hưởng đến đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ sách giáo khoa là các em học sinh.

Tiền đã chi, nợ đã vay, bây giờ không bàn lùi thời gian nữa, mà bàn các giải pháp cho học sinh học có chất lượng, cần giám sát việc thực hiện lộ trình biên soạn theo tiến độ để đáp ứng nhiệm vụ năm học tiếp theo.

Một cơ quan chuyên trách mà không biên soạn nổi một bộ sách giáo khoa chỉ với lý do không mời được chuyên gia, vậy uy tín của Bộ nằm ở đâu? Bao nhiêu người giỏi, người tài không chịu hợp tác với Bộ, thưa bà?

Đây chỉ là “kế hoãn binh” mà bộ GD&ĐT đưa ra. Việt Nam không thiếu người tài, các chuyên gia tâm huyết với giáo dục không thiếu, chỉ thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Trước đây, tôi đã thể hiện quan điểm, cần có chế tài đối với người đứng đầu khi không biên soạn được bộ sách giáo khoa như yêu cầu của Nghị quyết 88. Người đứng đầu và cả bộ GD&ĐT phải thấy rõ trách nhiệm để tham mưu; không giải trình tại sao chậm, không viện cớ này nọ; mà không làm được thì phải báo cáo và xin từ chức!

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Cẩm Mịch (Nguoiduatin.vn)