Xã hội

Bỏ điểm sàn Đại học: Học sinh đồng tình, giáo viên lo ngại!

"Bỏ điểm sàn thì các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Thí sinh nào không vào Đại học sẽ vào Cao đẳng, Trung cấp. Sau khoảng 5-7 năm nữa, Quy luật đào thải cho cả Sinh viên và các trường sẽ phát huy tác dụng".

"Bỏ điểm sàn thì các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Thí sinh nào không vào Đại học sẽ vào Cao đẳng, Trung cấp. Sau khoảng 5-7 năm nữa, Quy luật đào thải cho cả Sinh viên và các trường sẽ phát huy tác dụng".

Cụ thể, điều kiện cần là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Theo Thứ trưởng Ga, kỳ tuyển sinh năm 2016 dù có điểm sàn nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường Đại học nào là xong.

Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.

Học sinh thở phào nhẹ nhõm

Trước thông tin điểm sàn đại học có thể bị bỏ, trao đổi với PV báo Phụ nữ Online, nhiều học sinh tỏ ra bất ngờ và đồng tình với chủ trương này:

Em Nguyễn Thanh L. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Khi nghe tin này thì em lại có cảm giác gỡ bỏ một số gánh nặng trên vai. Bố mẹ, gia đình luôn muốn em đỗ đại học, trường nào cũng được miễn là Đại học.

Trong khi, thú thật đến điểm sàn em còn lo không chạm nữa là đỗ. Em nghĩ nếu bỏ điểm sàn đại học thì cũng có mặt tốt, bên cạnh việc cố gắng nhưng cũng đỡ gây áp lực cho bọn em vì lúc đó cũng sẽ có nhiều cơ hội, nhiều trường để lựa chọn hơn", L. nói.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Vũ Thị N.(Vĩnh Phúc) cho rằng: "Từ trước đến giờ em không để tâm quá nhiều đến điểm sàn, tuy nhiên năm nay lại có, kể từ khi nghe thông tin này. Lớp em các bạn mừng nhiều hơn mặc dù mới là dự thảo lấy ý kiến nên cũng có thể thay đổi. Theo em, thực ra việc bỏ điểm sàn là nên làm vì nó không có ý nghĩa nhiều lắm. Vì chẳng 1 trường tốt nào chấp nhận hạ điểm để lấy đầu vào quá thấp. Các bạn trong lớp cũng ý thức được điều đó.

Bo diem san Dai hoc: Hoc sinh dong tinh, giao vien lo ngai!
Hình ảnh minh họa.

Vấn đề mà em quan tâm nằm ở chỗ cho phép nhiều nguyện vọng và cho phép thay đổi nguyện vọng sau khi thi là việc em băn khoăn hơn cả. Nó gần như tước mất động lực phấn đấu của em vậy. Không vào được khoa Tiếng Anh của trường cao thì vào khoa Tiếng Anh của trường thấp. Đằng nào chả có bằng Đại học ngành đó. Ví dụ thế!", N. nói.

Sự thay đổi về lượng, chất đi về đâu?

Cùng ngày, trao đổi với PV, cô Đỗ L. (Vĩnh Phúc) nói: "Tuyển sinh và đào tạo là một khâu rất quan trọng, nhưng định hướng nghề nghiệp và tạo công ăn việc làm cho xã hội (SV sau ĐH) còn quan trọng hơn.  Có một thực trạng đáng buồn đang diễn ra là học Đại học ra thất nghiệp nhan nhản, trong khi đó thợ lành nghề thì ít.

Tâm lý ai cũng thích cho con học ĐH, học sinh nào cũng thích học Đại học (thậm trí bằng mọi giá), nhưng nhiều người học xong không biết làm gì! Quả thực rất nan giản. Tôi nghĩ Bộ nên xin thêm ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo và tính toán thật kỹ câu chuyện này. Vì đây là câu chuyện không phải chỉ 1 người mà là sự thay đổi cả 1 thế hệ nên hết sức thận trọng".

Đồng ý kiến với cô L., một vị giáo viên khác (đề nghị giấu tên) cho biết cảm thấy bức xúc trước thông tin này: "Bỏ điểm sàn không lẽ để phổ cập đại học? Trong thời buổi này, việc bỏ điểm sàn sẽ tạo điền kiện cho các trường tuyển sinh viên vào học: Các trường Đại học sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, thí sinh nào không vào Đại học sẽ vào Cao đẳng, Trung cấp... sau khoảng 5-7 năm nữa Quy luật đào thải cho cả sinh viên và các truờng sẽ phát huy tác dụng. Thế nhưng, chúng ta sẽ có cả một thế hệ học xong không biết làm gì. Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm.

Quan niệm người dân có con đỗ ĐH là "mát lòng mát ruột", thậm chí, có những người đi vay tiền ngân hàng cho con học. Học xong không xin nổi việc vì muốn làm đúng chuyên ngàng nhưng lại không đủ năng lực, làm thợ thì lại không muốn vì "mác" đại học... Hiện tại, sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều, mỗi năm một tăng... và tiền nợ ngân hàng hồi đi học vẫn chưa trả được. Tôi đã được chứng kiến không ít trường hợp như thế này", vị giáo viên nhìn nhận.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ lo ngại trước thông tin này, một số ý kiến lại đồng tình và cho rằng đây là định hướng "mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra", vấn đề là ngành giáo dục phải hết sức thận trọng trước mọi "đường đi, nước bước":

"Tôi ủng hộ chủ trương mở rộng, thắt chặt đầu ra. Việc này sẽ tạo ra nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cho xã hội mai sau. Tuy nhiên, cũng cần chia các trường xét tuyển ra nhiều đợt:

Chẳng hạn đợt 1 các trường Đại học công lập nhóm 1; Đợt 2 các trường ĐH công lập nhóm 2; Đợt 3 các trường ĐH dân lập; Đợt 4 các trường cao đẳng … để các em có rộng rãi thời gian tự do lựa chọn & định hướng nghề nghiệp cho thực sự phù hợp với năng lực bản thân trước khi nhập học", cô Kim Th. (Hà Nội) bình luận.

Theo Hà My (Phunuonline.com.vn)