Xã hội

Bộ Công an đề xuất luật hóa cấm dùng điện thoại khi lái ô tô

Bộ Công an đề xuất xây dựng luật mới, quy định cụ thể nhiều vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, trong đó có việc cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều bất cập, do đó cần thiết phải xây dựng một luật mới là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Công an đề xuất luật hóa cấm dùng điện thoại khi lái ô tô
Bộ Công an đề xuất luật hóa việc cấm dùng điện thoại khi lái ô tô. Ảnh: PLO

Bảy nhóm chính sách cơ bản được Bộ Công an đề xuất thay đổi khi xây dựng luật mới như hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; đi đường bộ; quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ…

Trong số này, khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, tuy nhiên thực tế hiện nay phát sinh thêm nhóm biển mới "Nhóm biển sử dụng trên các tuyến đường đối ngoại", nhóm biển này tuân thủ theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có quy định người điều khiển mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe máy không được sử dụng điện thoại di động còn người điều khiển ô tô không quy định; tuy nhiên, Công ước Viên bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn (khoản 2 Điều 9); tuy nhiên, Công ước Viên lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.

Chưa hết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có khái niệm về xe cơ giới, xe thô sơ, xe tự chế, xe công nông, xe máy kéo, xe máy điện, xe đạp điện nên có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật…

Với những tồn tại đưa ra, Bộ Công an đề xuất sẽ quy định cụ thể những vấn đề này trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Gần 100.000 người chết vì tai nạn giao thông

Từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm, tai nạn gia thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Cũng theo Bộ Công an, hiện nay, các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ (toàn quốc xảy ra 528 vụ chống lại lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, làm bảy chiến sĩ hy sinh, 166 chiến sĩ bị thương, bắt 507 đối tượng).

Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tài xế sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép để làm nơi buôn bán hoặc trông giữ xe... diễn ra tràn lan.

Đặc biệt, tình trạng làm đường đến đâu, xây nhà đến đó, xây nhà ven quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Theo T.Phan (Pháp Luật TPHCM)