Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn 500% Delta, Việt Nam cần làm gì để đối phó?

Biến chủng Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng chống biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.

Ngày 25.11.2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24.11.2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).

Biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn 500% Delta, Việt Nam cần làm gì để đối phó?
Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron xuất hiện. Ảnh: AP

Tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Trước nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải có những bước chuẩn bị thật kỹ, bao gồm:

- Biện pháp tạm thời: Hạn chế nhập cảnh với các nước có biến chủng đang lưu hành/có vị trí địa lý liền kề, bao gồm: Botswana, Eswatini, Lethoso, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Hong Kong, Bỉ, Israel. Tiếp tục theo dõi và bổ sung vào danh sách trên nếu cần thiết. Những biện pháp này nên được duy trì đến khi chúng ta có đầy đủ hiểu biết về biến chủng này và ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới.

- Xây dựng hệ thống tầm soát các biến chủng lưu hành bằng cách giải trình tự gene hoặc thực hiện TaqPath ngẫu nhiên các mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả với các mẫu bệnh phẩm trong nước hoặc nhập cảnh.

- Xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vaccine an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các đối tượng có nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngoài hai loại mARN được cấp phép.

- Củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở, gia tăng năng lực lấy mẫu cũng như năng lực xét nghiệm realtime RT-PCR để có thể trả kết quả trong vòng 24h từ khi lấy mẫu.

Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về cơ chế cũng như tác động của biến thể này đến diễn tiến của dịch bệnh, chúng ta phải luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào đất nước, một lần nữa đặt gánh nặng khủng khiếp lên hệ thống y tế mỏng manh vẫn đang trong quá trình hồi phục của chúng ta.

Đối mặt với một đợt dịch gây ra do chủng Delta đã mang đến cho chúng ta quá nhiều tổn thất về nhân lực, vật lực, tinh thần và chúng ta tuyệt đối không thể để điều đó xảy ra một lần nữa, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tiêm chủng vaccine của chúng ta trong thời gian vừa qua.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bien-chung-omicron-lay-lan-nhanh-hon-500-delta-viet-nam-can-lam-gi-de-doi-pho-tintuc798832