Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch Covid - 19

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, không chỉ ở Trung Quốc mà các nước như Hàn Quốc, Ý, Iran... có số người nhiễm bệnh cao. Thủ đô Hà Nội với đặc điểm cửa ngõ giao lưu trong nước, quốc tế; dân số đông, nhiều người nước ngoài sinh sống... nên có rủi ro, nguy cơ có người nhiễm bệnh.

Sáng 2/3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch Covid - 19
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc sáng 2-3 - Ảnh: CTV

Mở đầu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua,TP Hà Nội đã phòng chống dịch bệnh một cách kịp thời, quyết liệt góp phần quan trọng cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, không chỉ ở Trung Quốc mà các nước như Hàn Quốc, Ý, Iran... có số người nhiễm bệnh cao. Thủ đô Hà Nội với đặc điểm cửa ngõ giao lưu trong nước, quốc tế; dân số đông, nhiều người nước ngoài sinh sống... nên có rủi ro, nguy cơ có người nhiễm bệnh.

Trước tình hình chuyển biến mới, đòi hỏi phải có giải pháp mới, bảo vệ an toàn cho nhân dân; người nước ngoài ở Hà Nội, khách du lịch... Do vậy, Thường trực Thành ủy quyết định làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo để làm rõ các vấn đề liên quan, bàn và chỉ đạo các giải pháp mới phòng chống dịch.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, trưởng ban chỉ đạo khẳng định TP Hà Nội vẫn đang làm tốt công tác kiểm soát dịch. Dù vậy, ông Chung đánh giá nguy cơ lây nhiễm lớn trên địa bàn TP đang cao hơn khi dịch bệnh đã lan rộng ra nhiều quốc gia. Tác động dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của TP, hậu quả dịch bệnh tác động ngay đến một số ngành nghề trên địa bàn TP.

Nếu xảy ra trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh sự tham gia của toàn thể người dân là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống dịch thành công. Vì thế, công tác thông tin truyền thông phải cụ thể hơn, trên nguyên tắc minh bạch, tập trung vào tuyên truyền nguy cơ của dịch và ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh đến mỗi người dân.

Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu, tham khảo thêm các biện pháp chống dịch từ các nước, các tỉnh, thành phố có dịch. Đến nay, kinh nghiệm cho thấy cách ly tại cộng đồng vẫn là các biện pháp hữu hiệu nhất.

Về các giải pháp cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay 2-3, tất cả những người bắt buộc đưa vào cách ly tập trung hay những trường hợp cách ly tại cộng đồng đều phải được xét nghiệm Covid-19 trước khi đưa vào cách ly. 

Tất cả trường hợp đến bệnh viện có triệu chứng nghi ngờ cũng phải lấy mẫu xét nghiệm; công dân các nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài mà qua kiểm dịch y tế thấy có nghi ngờ thì cũng phải chủ động lấy mẫu xét nghiệm...

Sở Y tế Hà Nội cho biết năng lực xét nghiệm Covid-19 của TP hiện nay thực hiện được khoảng 250 mẫu bệnh phẩm/ngày.

Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành y tế phải tăng cường năng lực xét nghiệm hơn để có thể xét nghiệm nhanh hơn, giải tỏa được số người đang cách ly tập trung.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến nay, thế giới đã ghi nhận 88.366 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.995 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. 

Tại Việt Nam, đã 17 ngày liền chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. Tại Hà Nội, tính đến nay cũng chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Hiện có 2.115 người thực hiện giám săt tại cộng đồng; 2.240 người đang cách ly tập trung tại các điểm do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý; Bệnh viện Công an TP đang quản lý 124 người, đã hết thời hạn cách ly 56 người, còn 68 người phải cách ly.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, hiện nay số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.497 người, trong đó từ khu vực Daegu là 38 người, từ khu vực Bắc Gyeongsang là 19 người.

Hiện tại, các đơn vị Y tế trên địa bàn Hà Nội có khả năng triển khai được 5.000 giường bệnh điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19. Cụ thể, 300 giường bệnh của Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư; bệnh viện Bắc Thăng Long 400 giường; 5 bệnh viên Thanh Nhàn, Đống Đa, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn thực hiện thu dung 600 giường bệnh; 31 bệnh viện công lập 3.00 giường; bệnh viện ngoài công lập 300 giường; bệnh viện Bộ, ngành 400 giường.

Sở Y tế nhận định, nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh là rất lớn, đòi hỏi TP không được lơ là, chủ quan, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ hơn giai đoạn trước.

Không loại trừ dịch bệnh kéo dài, chưa có thời điểm kết thúc, lây lan nhanh, rất phức tạp, khó lường, đang lan rộng khắp Thế giới và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội của TP.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch Covid - 19 - 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp sáng 2-3

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cũng cho hay quận Thanh Xuân có hệ thống chung cư rất lớn với 109 tòa nhà chung cư, gần 600 thang máy, trong đó có những chung cư có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Vì thế, cần tiếp tục làm mạnh hơn việc cách ly, sát khuẩn, đo thân nhiệt ở những cơ sở, cuộc họp có nhiều người.

Riêng đối với ngành giáo dục, xung quanh lịch học của các trường, các cấp học, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung thời gian năm học điều chỉnh. Theo khung này, nếu như học sinh cấp 3 (khối THPT) đi học trở lại từ ngày 9-3 thì sau khi kết thúc năm học vẫn còn 3 tuần trước kỳ thi đại học, hoàn toàn đáp ứng được chương trình đề ra. Thậm chí, trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp thì "quota" (hạn ngạch) của học sinh cấp THPT vẫn có thể nghỉ kịch khung đến hết tuần thứ 3 của tháng 3, mà không ảnh hưởng tới lịch học và lịch thi, trừ trường hợp học sinh đi du học sẽ bị ảnh hưởng.

Còn đối với các trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS, trong trường hợp dịch diễn biến xấu thì vẫn hoàn toàn có thể cho nghỉ học đến hết tháng 3-2020.

HL (Nguoiduatin.vn)