Xã hội

Bị động trong mưa lịch sử, Đà Nẵng rà soát toàn diện

Trong 2 ngày 14 và 15-10, mưa lũ ở khu vực miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam đã khiến 8 người chết

Người dân TP Đà Nẵng đã dành trọn ngày 15-10 để tập trung khắc phục hậu quả của trận mưa ngập đêm hôm trước. Nhiều người còn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến trận mưa được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay ở thành phố khiến nước lên rất nhanh.

Đánh giá lại hệ thống thoát nước

Anh Nguyễn Văn Thân (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết từ chiều 14-10, nước đã bắt đầu ngập nhưng lên chậm nên ai cũng chủ quan. "Đến 19 giờ, nước đổ cuồn cuộn, chỉ chừng 10-15 phút đã quá ngực, chúng tôi buộc phải sơ tán. Tuy nhiên, mực nước ở ngoài đường đã quá đầu người, lại chảy rất xiết, không thể thoát thân" - anh Thân kể.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng sáng 15-10, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nhận định đợt mưa ngày 14-10 là trận mưa lịch sử, lưu lượng lên đến 700 mm, trong khi hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chỉ đáp ứng từ 100-200 mm. "Lượng mưa cực đoan đã vượt ra khỏi yếu tố thiết kế, cần đánh giá lại hệ thống thoát nước thành phố" - ông Phong nhận định.

Theo ông Phong, nguyên nhân gây ngập cũng do lượng nước từ khu vực sân bay Đà Nẵng đổ ra. "Khu vực sân bay Đà Nẵng rộng 820 ha nhưng hệ thống thoát nước chưa bảo đảm. Thành phố đã nhiều lần làm việc với sân bay Đà Nẵng để xử lý triệt để lượng nước mưa, thoát nước tại sân bay" - ông Phong nói.

Bị động trong mưa lịch sử, Đà Nẵng rà soát toàn diện
Lực lượng cứu hộ ở Đà Nẵng ngâm mình trong nước để ứng cứu người dân đêm 14-10 Ảnh: HẢI ĐỊNH

Đà Nẵng hiện có 3 trạm bơm chống ngập. Trong trận mưa lần này, một số trạm bơm bị mất điện, không hoạt động. Dù trong kịch bản phòng chống thiên tai đã có trường hợp dự phòng cúp điện, song với trường hợp ngập đô thị, kịch bản chưa có để tăng cường cho việc cấp điện máy bơm.

"Trạm bơm Thuận Phước chưa đáp ứng đầy đủ theo thiết kế; chưa có máy phát điện dự phòng cho trạm bơm này. Trước đây, Sở Xây dựng đã xin được đầu tư bổ sung nhưng chưa được cấp. Sở sẽ tham mưu lại để đầu tư cho trạm bơm này" - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận định nhiều bộ phận ứng phó mưa lũ đã bị động dù đã dự báo được có mưa lớn tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng chưa có các phương tiện chuyên dụng cho trường hợp nước ngập, chảy xiết như tối 14-10. "Nước chảy như sông nhưng về phương án thực hiện, nhiều đơn vị vẫn còn tư duy theo cách nước ngập bình thường. Đây là lần đầu tiên chúng ta phải xử lý tình huống như vậy, cần có đúc kết kinh nghiệm để xử lý về sau" - ông Nguyễn Văn Quảng nói và cho biết thành phố sẽ mua sắm thêm nhiều thiết bị chuyên dụng để ứng phó trong các trường hợp tương tự.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu có phương án khơi thông các khu vực còn ngập ở Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, các hầm chung cư, kể cả hầm của Trung tâm Hành chính. Đặc biệt, cần bảo đảm lương thực, nước sạch cho người dân nơi bị ngập, hoặc dự báo tiếp tục ngập; bảo đảm vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh sau ngập lụt.

"Người đứng đầu các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục thiệt hại tại địa phương, đơn vị mình theo dõi; phụ trách đi đôi với thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn" - ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu.

Nhiều tỉnh còn chìm trong biển nước

Tương tự Đà Nẵng, mưa lớn đã làm cho trung tâm TP Huế bị nhấn chìm với hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Đến cuối ngày 15-10, nhiều khu vực nước vẫn chưa rút. Tại huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang nước ngập diện rộng, độ sâu từ 0,4-1 m.

Ngày 15-10, tại tỉnh Quảng Nam dù trời nắng ráo trở lại nhưng do lượng nước mưa lớn kết hợp với nước từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn xả về nên nhiều khu vực thấp trũng tại huyện Đại Lộc, TP Hội An bị ngập sâu.

Ghi nhận tại Đại Lộc vào trưa 15-10, nhiều nhà dân bị ngập trên 1 m. Ở Hội An, mưa lớn kéo dài khiến nước sông Hoài dâng cao, tràn lên nhiều tuyến đường trong phố cổ. Mưa lớn cũng đã khiến một số khu vực tại Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An) bị sạt lở nặng nề.

Tại tỉnh Quảng Trị, đến chiều 15-10, tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nhiều ngầm tràn qua suối bị chia cắt. Nhiều tuyến đường tại huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị bị lũ nhấn chìm. Đặc biệt, tại xã Ba Lòng (huyện Đakrông) có 445 hộ dân với 1.800 nhân khẩu đang bị cô lập hoàn toàn, trong đó có 80 nhà dân đang bị lũ ngập từ 0,5-2 m. Mưa lũ cũng khiến tuyến đường sắt qua Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) bị vùi lấp, cuốn trôi đất đá tại một vài vị trí. 

Hôm nay tiếp tục có mưa lớn

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong hôm nay, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có mưa to, sau đó giảm dần.

Ngoài ra, ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía Nam. Dự báo từ đêm 16-10, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục lạnh về đêm và sáng sớm, vùng núi trời rét, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến từ 14-17 độ C; khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-20 độ C.

Theo PV (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su/bi-dong-trong-mua-lich-su-da-nang-ra-soat-toan-dien-2022101521194817.htm