Xã hội

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay ở TP.HCM tiên lượng nặng

Hơn 1 tuần sau khi nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, nam bệnh nhân 54 tuổi bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay vẫn đang trong tình trạng liệt khá nặng, dự kiến phải thở máy trong thời gian dài.

Chiều 7/9, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết sức khỏe của của nam bệnh nhân N.N.D., 54 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là bệnh nhân thứ 6 bị ngộ độc khi ăn pate Minh Chay đang được điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay ở TP.HCM tiên lượng nặng
Bệnh nhân N.N.D. đang điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, bệnh nhân đang trong tình trạng liệt, sức cơ 2/5, cử động được tay và chân trên mặt giường nhưng không nhấc chân tay được. Các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng liệt khá nặng. Bệnh nhân được lọc máu và thay huyết tương. Tuy nhiên, mức độ hồi phục vẫn chưa cải thiện, tiên lượng sẽ phải thở máy trong thời gian tính bằng tháng chứ không phải một vài tuần.

Cũng theo bác sĩ Hùng, một số người ăn lượng Clostridium botulinum nhiều thì tình trạng liệt kéo dài và mức độ rất là nặng nề.

Được biết, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số tổ chức phi chính phủ tìm nguồn thuốc giải độc. "Mặc dù theo lý thuyết thì thuốc giải độc tốt nhất là dùng trong tuần đầu tiên sau khi ngộ độc. Tuy nhiên theo ghi nhận của y văn trên thế giới thì có thể sử dụng vào bất cứ thời điểm nào. Do vậy biết bất cứ nguồn nào trên thế giới đang lưu trữ thuốc chúng tôi đều liên hệ trực tiếp hay gián tiếp qua Bộ Y tế. Một tin mừng đó là Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận cung cấp thuốc giải độc cho Việt Nam. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, chúng ta có thể nhận được, các bệnh nhân bị ngộ độc ở mức độ nặng, liệt hoàn toàn, thở máy thì chúng tôi sẽ cân nhắc sử dụng thuốc giải độc tố khi thuốc về Việt Nam" - bác sĩ Hùng cho hay.

Trước đó, chiều tối 25/8, bệnh nhân đã ăn khá nhiều thực phẩm pate Minh Chay. 24 giờ sau khi ăn, người này có biểu hiện nôn ói và triệu chứng ngày càng tăng dần, người bệnh nuốt khó, nói khó, sụp mi, được đưa đến nhập Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, tình trạng bệnh nhân tăng lên rất nhanh và bắt đầu thấy khó thở. Ngày 27/8, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán nhược cơ, nên được nhập khoa nội thần kinh.

Ngày 29/8, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Đơn vị Chống độc - Khoa Bệnh Nhiệt đới và phải thở máy, có các triệu chứng điển hình của ngộ độc Clostridium botulinum.

Tính đến hiện tại, ông N.N.D. là bệnh nhân duy nhất còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong số 6 bệnh nhân nhập viện để điều trị do ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay. 5 bệnh nhân khác đã được chuyển về bệnh viện địa phương để tiếp tục chăm sóc và điều trị.

Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/benh-nhan-ngo-doc-pate-minh-chay-o-tphcm-tien-luong-nang-20200907183023407.htm