Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Bệnh nhân COVID-19 'tưởng nhẹ' vẫn có thể diễn biến nặng rất nhanh, chỉ vài phút

Những trường hợp tưởng là nhẹ, đột xuất ban đêm có thể diễn biến nặng, rất nhanh. Nếu chúng ta chủ quan, không theo dõi sát sao thì không cấp cứu kịp.

Tại cuộc tập huấn trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế với 700 điểm cầu trên cả nước sáng 11/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay trong lịch sử loài người chưa từng thấy một dịch bệnh nào có mức độ tấn công ghê gớm như COVID-19. Chỉ trong vòng mấy tháng, dịch bệnh này đã lây lan ra hầu hết các nước vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đến sáng nay, thế giới ghi nhận số ca tử vong vượt hơn 102.000 người trong tổng số gần 1,7 triệu người mắc tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phân tích về phác đồ điều trị COVID-19 ở Việt Nam, cho thấy, trong số 257 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở nước ta, số ca được chữa khỏi hiện có 144 ca (khoảng 60%), số ca nặng, biến chứng chiếm khoảng 6%.

Việt Nam là một trong số rất ít nước dù có bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng nhưng chưa có người tử vong. Theo các chuyên gia, đó là niềm tự hào của chúng ta nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể nói trước điều gì.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định hiện COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tức là chưa có loại thuốc nào uống vào có thể lập tức chữa khỏi được bệnh này. Những phác đồ điều trị của chúng ta chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. Chúng ta liên tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung phác đồ điều trị cho phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới.

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị, có thể thu dung bệnh nhân COVID-19, phải chuẩn bị các tình huống ứng phó khi dịch bệnh lan rộng trong cả nước.

Bệnh nhân COVID-19 'tưởng nhẹ' vẫn có thể diễn biến nặng rất nhanh, chỉ vài phút
Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta vào khoảng gần 60%

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nâng cấp phòng chống dịch COVID-19 lên cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao.

Điểm nổi bật trong yêu cầu này là những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là người có nguy cơ nhiễm bệnh (F1), có khả năng truyền bệnh, để có những biện pháp phòng hộ, tiếp cận, chăm sóc, điều trị, phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, chúng ta không nên chủ quan với những trường hợp tưởng là nhẹ, đang nằm điều trị thì đột xuất ban đêm có thể diễn biến nặng, rất nhanh, từng giờ từng phút. Nếu chúng ta không theo dõi sát sao thì không cấp cứu kịp.

Các chuyên gia cũng cho biết để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân thì cần khống chế số mắc thật thấp, ít bệnh nhân sẽ được tập trung các điều kiện tối ưu vầ nhân lực thiết bị, theo dõi cấp cứu kịp thời nhất. Vừa qua, hệ thống y tế dự phòng đã làm rất tốt, số bệnh nhân COVID-19 được kiểm soát, tránh cho bệnh viện bị quá tải, nhờ đó các bác sĩ tập trung tối đa điều trị ca bệnh.

Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/benh-nhan-covid-19-tuong-nhe-van-co-the-dien-bien-nang-rat-nhanh-chi-vai-phut-20200411142550308.htm