Xã hội

Bất bình chuyện nam sinh ở Hải Phòng bị phạt, 'bêu riếu' vì xúc phạm... nhóm nhạc Hàn Quốc

Xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) đã bị kỷ luật dưới hình thức đọc bản kiểm điểm trước toàn trường và bị quay lại đưa lên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức phạt này quá nặng, tùy tiện, làm ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

"Bêu" học sinh xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc

Mới đây, do xúc phạm nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) trên mạng xã hội, nam sinh N.H.M.Q lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) đã phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường; bị đình chỉ học tập trong 4 buổi (từ ngày 6 - 10/11), Q. vẫn đến trường nhưng không được vào lớp mà ngồi ở phòng giám thị và có nhiệm vụ mượn vở của bạn để chép bài đầy đủ; lao động công ích trong thời gian bị kỷ luật; hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1 năm học 2019 - 2020.

Chưa dừng lại ở những kỷ luật như trên, clip ghi lại hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường còn được công khai trên mạng xã hội. Chính thầy Hiệu phó đã giao cho một giáo viên của trường thực hiện hành động quay clip, đăng trên trang fanpage của trường, sau đó được lan tràn trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cách làm của nhà trường chưa mang tính giáo dục, thậm chí đây là hành động "bêu rếu" học sinh.

Bất bình chuyện nam sinh ở Hải Phòng bị phạt, 'bêu riếu' vì xúc phạm... nhóm nhạc Hàn Quốc
Nam sinh N.H.M.Q lớp 8 trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) bị phạt đọc bản kiểm điểm trước toàn trường và bị quay lại đưa lên mạng xã hội. Ảnh: TL

 Liên quan đến sự việc, Phòng GD&ĐT quận Tân Bình, TP.HCM đã có yêu cầu Trường THCS Ngô Quyền kiểm điểm từng cá nhân trong vụ kỷ luật nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc BTS. Bởi việc bắt học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường rồi quay lại video đăng công khai trên mạng xã hội là sai quy định. Trước đó, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cũng đề nghị ngành GD&ĐT TP.HCM báo cáo về sự việc trên.

Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc học sinh bị lãnh đạo nhà trường, giáo viên đưa ra những hình phạt "không giống ai" gây bất bình trong dư luận, thậm chí được coi là lạm quyền và xúc phạm học sinh. Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Giáo dục là một ngành đặc thù, mang tính nhân văn ở trong đó, không chỉ dạy học sinh về kiến thức mà còn dạy các em để làm người tốt, có ích cho xã hội. Bởi vậy, khi học sinh vi phạm cũng phải rèn giũa các em, giúp đỡ các em, chứ không thể xúc phạm thân thể, danh dự của học sinh rồi biện minh là mong tốt cho học sinh".

Kỷ luật học sinh cũng phải đề cao tính giáo dục

Chia sẻ quan điểm về giáo dục trong kỷ luật học sinh, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, giáo viên răn đe học trò không được thì có thể đưa ra hình thức kỷ luật theo quy định. Tuy nhiên, phạt thế nào để có sức răn đe mà không vi phạm quy định đạo đức nhà giáo đó mới thực sự là điều giáo viên hết sức lưu tâm. Không nên vì bực tức mà nghĩ ra các hình thức phản giáo dục, mang tính trút giận lên học trò. Thời gian qua đã có nhiều vụ việc phạt học sinh sai quy định, không ít hình thức rất phản cảm.

Đồng tình với phương án kỷ luật học sinh, song cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, trước hết cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cần nắm bắt được tâm lý, đặc điểm của từng học sinh, từ đó có phương pháp dạy, quản lý phù hợp. Kỷ luật trong giáo dục rốt cuộc cũng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, nghiêm khắc nhưng cũng hết sức linh hoạt, mềm dẻo, tránh làm tổn thương học sinh. Nếu không đúng có thể vi phạm quy định của ngành giáo dục. Nhà giáo cần cân nhắc các hình thức xử phạt theo đúng quy định, không làm mất tính răn đe, mà không bị ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của học sinh.

"Giáo dục hà khắc học sinh ở mặt nào đó cũng có thể khiến học sinh sợ mà không dám tái phạm, nhưng thực tế cũng sẽ phản tác dụng vì học sinh chưa biết đó là sai lầm để khắc phục, mà còn gây tâm lý sợ sệt, bị tổn thương. Các trường cũng cần thiết lập kênh thông tin để nắm bắt, lắng nghe những tâm sự của học sinh, qua đó hạn chế những hình thức không phù hợp với học sinh. Vai trò của người thầy không chỉ đem tri thức mà còn giáo dục học sinh về mọi mặt, trong đó có nhân cách. Nếu người thầy cũng vi phạm, học sinh sẽ không phục và cũng không nghe lời", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc thi hành kỉ luật đối với học sinh là một trong các biện pháp giáo dục quan trọng trong nhà trường phổ thông, nhằm mục đích ngăn chặn không để các hiện tượng sai trái phát triển, giáo dục các học sinh phạm sai lầm, giúp các học sinh này phấn đấu trở thành học sinh tốt. Đối tượng thi hành kỉ luật là những học sinh có khuyết điểm tương đối nghiêm trọng, vi phạm những quy định về nhiệm vụ học sinh đã được Bộ quy định. Việc kỷ luật cũng phải lấy giáo dục làm chính, đồng thời giữ nghiêm kỉ luật. 

Hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật là khiển trách trước lớp, các hình thức kỷ luật khác: Khiển trách trước Hội đồng nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần, đuổi học một năm do Hội đồng kỷ luật và Hiệu trưởng nhà trường quyết định.

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/giao-duc/bat-binh-chuyen-nam-sinh-o-hai-phong-bi-phat-beu-rieu-vi-xuc-pham-nhom-nhac-han-quoc-20191113193152781.htm