Xã hội

Bão Noru có nhiều điểm tương đồng với siêu bão Xangsane 2006, khó giảm cấp khi áp sát miền Trung

Chuyên gia nhận định với nhiều điều kiện tác động, bão Noru khó có khả năng giảm cấp khi vào đến vùng biển Trung Trung Bộ. Hoàn lưu sau bão gây gió mạnh, mưa lớn cho đất liền.

Bão Noru đang tiến vào đất liền nước ta được đánh giá là cơn bão lớn trong vòng 20 năm qua với cấp độ rủi ro thiên tai trên đất liền ở cấp 4, có vùng ảnh hưởng từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão Noru sáng 26/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết các mô hình dự báo của quốc tế và Việt Nam hiện không đưa ra kịch bản nào về việc bão có thể giảm cấp khi áp sát đất liền miền Trung.

Theo vị này, sau khi vào Biển Đông, bão Noru có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. 

Bão Noru có nhiều điểm tương đồng với siêu bão Xangsane 2006, khó giảm cấp khi áp sát miền Trung
Cơ quan khí tượng quốc tế thống nhất về trọng tâm khu vực bão đi qua, nhưng đưa ra dự báo khác nhau về sức gió mạnh nhất của bão Noru trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Theo các chuyên gia, kịch bản về quỹ đạo của bão đã có sự thống nhất mặc dù các mô hình của cơ quan khí tượng quốc tế có sự chênh lệch nhưng không có dự báo nào cho rằng bão vào bờ với cường độ nhẹ.

Cụ thể, sáng nay (26/9), mô hình của Mỹ và Trung Quốc vẫn dự báo bão mạnh ở cấp 15-16 khi vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với thời gian ảnh hưởng trực tiếp là ngày 28/9. Trong khi đó, đài Nhật dự báo bão mạnh nhất cấp 13-14, đài Hong Kong cho rằng ở cấp 14-15.

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, dự báo vào chiều tối ngày 27/9, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.

Vào sáng sớm ngày 28/9, bão Noru đổ bộ vào đất liền, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Với cơn bão cấp 12 - 13, giật cấp 15 với sức tàn phá khủng khiếp, có thể thổi bay nhà ngói, tàu thuyền neo đậu vẫn có khả năng bị đánh hỏng, nguy cơ xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trước diễn biến nguy hiểm của bão số 4, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển. Ngoài ra, các địa phương trên rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ tương ứng trên 868.000 người.

Ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đề nghị các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lực lượng chức năng cần rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Đồng thời, đơn vị liên quan chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai… khi bão đổ bộ.

Bão Noru có nhiều điểm tương đồng với siêu bão Xangsane 2006, khó giảm cấp khi áp sát miền Trung - 1

Bão Noru có nhiều điểm tương đồng với siêu bão Xangsane 2006, khó giảm cấp khi áp sát miền Trung - 2
Sức tàn phá của bão Xangsane tại miền Trung vào năm 2006

Bão Xangsane là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1996 - 2006.  Lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thuỷ văn Việt Nam khi đó phải mở rộng thang đo gió từ cấp 13 trở lên.

Khoảng 9h sáng ngày 1/10/2006, tâm bão Xangsane đi vào đất liền Đà Nẵng với sức gió giật trên cấp 12, càn quét gây thiệt hại nặng nề. Hàng nghìn người dân Đà Nẵng, Quảng Nam khóc ròng trước cảnh tan hoang. 

Hậu quả của siêu bão này khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ và hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại. Tổng thiệt hại do bão Xangsane gây ra tại các địa phương là hơn 10.000 tỷ đồng, nặng nề nhất là Đà Nẵng, tiếp theo là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Quảng Trị.

Liên lạc điện thoại cố định miền Trung hoàn toàn tê liệt, tại Đà Nẵng trong tiếng gió gào thét là tiếng xe cứu nạn cứu hộ hú vang trời, lực lượng chức năng hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn trong thiên tai. Hầu hết người dân cố thủ trong nhà tối om do toàn thành phố cắt điện. Trong khi đó các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị mưa gió tơi bời.

Bão Noru được nhận định tương đối đồng nhất với bão Xangsane. Cả 2 cơn bão, sau khi vượt qua Philippines đều chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khá nhanh, trung bình 20km/h. Cường độ dự kiến bão Noru đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ là cấp 12 - 13, tương đương với bão Xangsane khi tâm của nó vào Đà Nẵng cách đây 16 năm.

Cơ quan dự báo thời tiết nhấn mạnh, mức độ rủi ro do thiên tai do cơn bão này gây ra tức cấp 4/5, đây là mức độ hiếm khi được đưa ra trên mức thang cảnh báo thiên tai, cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành từ trung ương đến địa phương và người dân, bão có thể gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trên quy mô nhiều tỉnh thành. Vì vậy không thể chủ quan trước cơn bão lớn.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bao-noru-co-nhieu-iem-tuong-ong-voi-sieu-bao-xangsane-2006-kho-giam-cap-khi-ap-sat-mien-trung-a360087.html